Các nước giàu chú trọng hướng nghiệp cho học sinh

Các nhà xã hội học đã rút ra một quy luật: Quốc gia nào có thu nhập bình quân đầu người càng cao thì công tác hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên càng được chú trọng.


Công tác hướng nghiệp cho học sinh ở Đức rất được chú trọng.
Công tác hướng nghiệp cho học sinh ở Đức rất được chú trọng.

Tuy nhiên, ở các nước phương Tây, không có thuật ngữ "hướng nghiệp". Nó được thay thế bởi một thuật ngữ khác: Phát triển nghề nghiệp và tập trung ở trẻ từ 5 - 14 tuổi.

Mỹ

Tháng 11/1910, hội nghị đầu tiên trên thế giới về hướng nghiệp được tổ chức tại Boston. Các đại biểu từ 35 thành phố đã đưa ra các nguyên tắc mà nước Mỹ tuân thủ 110 năm nay: Nghề nghiệp càng có ích cho xã hội thì càng có uy tín. Trường tiểu học không định hướng học sinh vào một nghề cụ thể, mà là phát triển tầm hiểu biết của các em. Trường trung học cung cấp kiến ​​thức về nhiều ngành nghề, liên tục thông tin về những ngành nghề mới. Không nên giới thiệu một nghề chỉ dựa vào lợi ích của thị trường mà bỏ qua năng lực của một người cụ thể.

Mấy năm sau, cương lĩnh Boston được bổ sung, hoàn thiện và áp dụng vào chương trình giáo dục của Đại học Harvard. 100 giáo viên tiểu học và trung học ở Boston đã trở thành những nhà tư vấn nghề nghiệp. Trong vòng 5 năm, chức vụ tư vấn như vậy trở nên bắt buộc ở tất cả trường phổ thông Mỹ.

Theo Hiến pháp Mỹ, chính phủ liên bang không ban hành quy định chung về giáo dục. Mỗi bang có luật riêng của mình. Ngoài các trường phổ thông, cao đẳng, đại học, các trung tâm dịch vụ việc làm công và tư cũng tham gia vào công tác hướng nghiệp cho thanh niên.

Tuy nhiên, vai trò hàng đầu trong hệ thống hướng nghiệp của Mỹ thuộc về các trường phổ thông. Tất cả các trường phổ thông và cao đẳng của Mỹ đều có các trung tâm dịch vụ hướng nghiệp với chức năng khác nhau. Trung tâm thứ nhất thu thập thông tin về từng học sinh – tình hình học tập, sở thích nghề nghiệp, đặc điểm cá nhân và xã hội. Mỗi học sinh có một hồ sơ, được cập nhật liên tục.

Trung tâm thứ hai chịu trách nhiệm tư vấn cá nhân và tập thể cho học sinh. Tất nhiên, trung tâm dịch vụ việc làm giúp sinh viên tốt nghiệp tìm được một công việc cụ thể. Cuối cùng, trung tâm thứ ba kiểm tra theo dõi kết quả hướng nghiệp của các sinh viên tốt nghiệp.

Làm việc tại các trung tâm này là các chuyên gia có trình độ đại học, đã tốt nghiệp khoa hướng nghiệp của các trường đại học và cao đẳng sư phạm. Hơn nữa, ở Mỹ có bộ luật đặc biệt về tư vấn nghề nghiệp, được ban hành cách đây 40 năm (1981).

Đức

Tại Cộng hòa Liên bang Đức, hướng nghiệp và bố trí việc làm cho học sinh tốt nghiệp các trường phổ thông và một phần các trường đại học do Viện Việc làm Liên bang chịu trách nhiệm. Viện này có hơn 30.000 nhân viên với 700 cán bộ quản lý làm việc tại các chi nhánh địa phương và trực thuộc Bộ Lao động và Xã hội Đức. Công việc của Viện Việc làm Liên bang được điều phối bởi Ủy ban Truyền thông Liên bang, bao gồm đại diện của Bộ Giáo dục và Viện Việc làm Liên bang. Ở mỗi bang của Cộng hòa Liên bang Đức đều có những ủy ban như vậy.

Các trường phổ thông ở Đức không chịu trách nhiệm bố trí việc làm, nhưng không có nghĩa là họ thờ ơ với công tác hướng nghiệp cho học sinh. Thăm dò dư luận, kiểm tra, tham vấn, tham quan các công ty, gặp gỡ với đại diện của các ngành nghề... là những hoạt động bắt buộc ở các trường phổ thông.

Thêm vào đó, mỗi học sinh Đức có một cuốn sổ ghi chép những thông tin chung về cha mẹ, tính cách, sở thích (sách, phim, trò chơi điện tử, thể thao, sở thích...). Đọc cuốn sổ này, bạn có thể biết về tương lai của học sinh, những ngành nghề được ưa thích.

Cuốn sổ ghi chép này cùng với điểm số các môn học và thi cử giúp các chuyên gia xác định chính xác hơn định hướng nghề nghiệp của học sinh. Một số được khuyên nên tiếp tục học đại học, số khác được khuyến cáo nên vào học các trường cao đẳng, hoặc trường nghề.

Tất cả các nghề đều hay, nhưng chỉ có một nghề là của bạn.

Anh

Vương quốc Anh cũng có bí quyết riêng trong công tác hướng nghiệp cho học sinh: Bản tự khai, trắc nghiệm, trao đổi, tư vấn... Thêm vào đó, các doanh nghiệp mini được thành lập tại nhiều trường phổ thông. Đó là các xưởng thực hành hoặc các trang trại nhỏ tương tự như các phân xưởng công nghiệp và nông trại thực sự. Công nhân, quản đốc, tổ trưởng phân xưởng, giám đốc đều là học sinh... Lần lượt thay nhau, tùy theo tài năng tổ chức của các em.

Ngoài ra, học sinh trung học Anh phải thực tập 2 tuần tại cơ sở sản xuất. Đây là bài kiểm tra thực tế của bản thân trong công việc.

Pháp

Ở Pháp, vấn đề hướng nghiệp của học sinh, sinh viên tốt nghiệp do nhà nước phụ trách. Đây là lý do mà Pháp được coi là hình mẫu của châu Âu về bố trí việc làm cho học sinh tốt nghiệp các trường phổ thông, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và đại học.

Thông tin đóng vai trò quan trọng. Mỗi khu vực có một chi nhánh của Cục Thông tin quốc gia về giáo dục và nghề nghiệp chuyên theo dõi tất cả các tin tức về thị trường lao động.

Trung tâm Thông tin và Hướng nghiệp phối hợp chặt chẽ với Hội cha mẹ học sinh, cơ sở giới thiệu việc làm, các trung tâm đào tạo nghề nghiệp, Viện Nghiên cứu giáo dục quốc gia, Trung tâm Tư liệu giáo dục vùng.

Trung tâm Thông tin và Hướng nghiệp thực sự có ảnh hưởng đến việc chọn nghề của thanh niên Pháp theo nhu cầu của thị trường lao động. Trung tâm sử dụng các chuyên gia có trình độ đại học đã tốt nghiệp các trường đại học trong lĩnh vực hướng nghiệp.

Các cố vấn hướng nghiệp hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia tâm lý học đường, giáo viên chủ nhiệm lớp và phụ huynh học sinh.

Mỗi lớp học ở trường phổ thông Pháp có một hội đồng gồm một chuyên gia tâm lý học đường, giáo viên chủ nhiệm và cố vấn hướng nghiệp của Trung tâm Thông tin.

Nhật Bản

Công tác hướng nghiệp ở trường phổ thông Nhật bắt đầu từ cấp THCS, với học sinh từ 12 tuổi. Chính phủ Nhật cho rằng chính ở độ tuổi này, học sinh hình thành quan niệm về giá trị và tầm quan trọng của một nghề cụ thể. Trong các tiết học đặc biệt, các em được dạy về những nghề đang có nhu cầu trong xã hội, có triển vọng trong tương lai.

Tuy nhiên, người Nhật quan niệm, lý thuyết và sự tư vấn ​​của các chuyên gia là rất tốt, nhưng thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Vì vậy mỗi năm, học sinh phải thử sức trong 16 nghề khác nhau - từ nhân viên ngân hàng đến nhà thiết kế, từ điền chủ đến kỹ thuật viên, từ nhà báo đến giáo viên...

Học sinh được các chuyên gia tâm lý theo dõi. Theo khuyến cáo của họ, học sinh xây dựng chương trình hướng nghiệp cá nhân. Bởi, họ coi nghề nghiệp là chuyện nghiêm túc. Nó là số phận của mỗi con người trong cả cuộc đời.

Kim Thanh Hằng (Tổng hợp)-https://giaoducthoidai.vn/


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Tin mới nhất