Danh sách bài viết theo chuyên mục
 

Đề tài KHCN cấp Bộ

Đề tài KHCN cấp Bộ: Nghiên cứu dự báo nhu cầu đào tạo trình độ đại học nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.


  1. TÊN ĐỀ TÀI

Nghiên cứu dự báo nhu cầu đào tạo trình độ đại học nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

  1. TỔ CHỨC CHỦ TRÌ ĐỀ TÀI

Tên tổ chức chủ trì: Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực

Điện thoại: (84) 24.38.262.018

E-mail: trungtamhotrodaotao@moet.gov.vn

Địa chỉ: Số 12-14, Lê Thánh Tông, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Họ và tên thủ trưởng tổ chức chủ trì:  Trần Công Phong

  1. CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI

Họ và tên:  Hoàng Công Dụng

Địa chỉ cơ quan:  Số 14, Lê Thánh Tông, Hà Nội                                           

Điện thoại cơ quan: 02439332625                                     

E-mail: hcdung@moet.gov.vn

  1. THÔNG TIN TÓM TẮT
    1. Mở đầu

Sau ba cuộc Cách mạng công nghiệp lớn trong lịch sử, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, xã hội toàn cầu. Đặc biệt, nền công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cung - cầu trong thị trường lao động.CMCN 4.0 sẽ đặt ra yêu cầu cao hơn cho người lao động với đòi hỏi hàng loạt kỹ năng như: sáng tạo, quản lý con người, trí tuệ cảm xúc, đàm phán, linh động trong nhận thức. Cuối năm 2015, Ngân hàng Anh Quốc đưa ra một dự báo: sẽ có khoảng 95 triệu lao động truyền thống bị mất việc trong vòng 10-20 năm tới chỉ riêng tại Mỹ và Anh - tương đương 50% lực lượng lao động tại hai nước này và ở các quốc gia khác cũng sẽ có tình trạng tương tự. Hàng loạt nghề nghiệp cũ sẽ mất đi và thay thế vào đó là những nghề nghiệp mới. Thị trường lao động trong nước cũng như quốc tế sẽ phân hóa mạnh mẽ giữa nhóm lao động có kỹ năng thấp và nhóm lao động có kỹ năng cao. Lao động giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh của các thị trường mới nổi ở Châu Mỹ La tinh và Châu Á.

Trong bối cảnh của CMCN 4.0 với nền sản xuất công nghiệp trong tương lai dự kiến sẽ có nhiều thay đổi, đòi hỏi quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp trong nước cần có những bước đi thận trọng. Nguồn nhân lực công nghệ cao, đặc biệt là nhân lực nhóm ngành kỹ thuật- công nghệ, được xem là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn như công nghệ thông tin, điện hạt nhân, công nghệ gen.

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã chỉ rõ nhiệm vụ của giáo dục đại học: "Đổi mới mạnh mẽ nội dung giáo dục đại học và sau đại học theo hướng hiện đại, phù hợp với từng ngành, nhóm ngành đào tạo và việc phân tầng của hệ thống giáo dục đại học. Chú trọng phát triển năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội, từng bước tiếp cận trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới".

Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư" đề ra yêu cầu đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo: "Thúc đẩy triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong chương trình giáo dục phổ thông. Nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường giáo dục những kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với những yêu cầu của cuộc CMCN lần thứ 4".

Bên cạnh những thách thức, CMCN 4.0 cũng mở ra nhiều cơ hội cho các trường đại học, đặc biệt trong việc thu hẹp khoảng cách giữa các trường đại học trong nước và trong khu vực cũng như trên toàn thế giới. Khoảng cách giữa các trường đại học của Việt Nam với các trường trong khu vực sẽ thu hẹp lại hoặc gia tăng thêm tùy vào chính sách và chiến lược của từng trường. Các trường đại học, đặc biệt đối với các trường đào tạo nhân lực nhóm ngành Kỹ thuật- Công nghệ phải kịp thời nhìn thấy được xu hướng chung của thế giới, linh hoạt và có sự chuẩn bị tốt nhất trong giai đoạn này. Với các trường đại học đáp ứng được những yêu cầu đó thì cách mạng 4.0 chính là cơ hội để rút ngắn khoảng cách và thậm chí là bắt kịp xu thế đào tạo của khu vực và thế giới, chủ động trước những biến động về đào tạo và việc làm trong bối cảnh CMCN 4.0, đáp ứng về số lượng, bảo đảm chất lượng đầu ra và cơ hội việc làm của sinh viên nhóm ngành Kỹ thuật- Công nghệ; nâng cao uy tín cho trường nói riêng và giáo dục Việt Nam nói chung.

  1. Mục tiêu đề tài

Mục tiêu tổng quát:

Dự báo nhu cầu đào tạo trình độ đại học nhóm ngành Kỹ thuật- Công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Mục tiêu cụ thể:

a) Phân tích, đánh giá tác động của CMCN 4.0 đến đến thị trường lao động và nền kinh tế;

b) Đánh giá tác động của CMCN 4.0 tới nhu cầu nhân lực tại Việt Nam, đặc biệt là nhân lực trình độ đại học nhóm ngành Kỹ thuật- Công nghệ;

c) Xây dựng được cơ sở lí luận về xác định nhu cầu đào tạo trình độ đại học (số lượng, năng lực tối thiểu cần đạt,…) nhóm ngành Kỹ thuật- Công nghệ trong bối cảnh CMCN 4.0;

d) Dự báo nhu cầu đào tạo trình độ đại học nhóm ngành Kỹ thuật- Công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

  1. Nội dung nghiên cứu

Nội dung 1: Nghiên cứu cơ sở lý luận

Nội dung 2: Nghiên cứu cơ sở thực tiễn về dự báo nhu cầu nhân lực trình độ đại học nhóm ngành Kỹ thuật – Công nghệ trong bối cảnh CMCN 4.0

Nội dung 3: Nghiên cứu xây dựng các mô hình dự báo nhu cầu đào tạo trình độ đại học nhóm ngành Kỹ thuật- Công nghệ  trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu