Thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm Nhật Bản

Khẳng định tầm quan trọng trong mối quan hệ hai nước, cam kết tạo môi trường đầu tư ổn định là những thông điệp được Thủ tướng nhấn mạnh trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản.


Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 22 đến 25/11. Hội đàm, hội kiến với các lãnh đạo cấp cao Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn cùng Nhật Bản mở ra giai đoạn phát triển mới trong quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng trên các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Tính đến nay, Nhật Bản là đối tác lớn thứ 2 về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (lũy kế đạt 64 tỷ USD), đối tác thứ 3 về khách du lịch (du khách Nhật tới Việt Nam đạt gần một triệu lượt khách trong năm 2019), đối tác thương mại lớn thứ 4 (kim ngạch hai chiều đạt khoảng 40 tỷ USD/năm). Trả lời báo chí Nhật Bản nhân chuyến thăm chính thức tới quốc gia này, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Nhiều công trình sử dụng vốn ODA cùng các dự án đầu tư của Nhật Bản đã và đang góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Sau khi tái đắc cử Thủ tướng Nhật Bản cuối năm 2012, ông Shinzo Abe chọn Việt Nam là nước đầu tiên để công du. Tới giữa tháng 10/2020, ông Suga Yoshihide cũng chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên sau khi đắc cử Thủ tướng Nhật Bản. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất. Ngay cả trong đại dịch Covid-19, hai bên duy trì tiếp xúc cấp cao và các cấp. Trong ảnh, Thủ tướng hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Santo Akiko.

Trong chuyến thăm Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Thống đốc tỉnh Tochigi, ông Fukada Tomikazu. Phát biểu tại Hội nghị hợp tác địa phương Việt Nam - Nhật Bản, Thủ tướng mong muốn địa phương của Nhật Bản sẽ nghiên cứu đưa doanh nghiệp sang đầu tư tại Việt Nam. Ông nêu nhiều bối cảnh thuận lợi cho việc này, điển hình là độ tin cậy chính trị cao giữa hai nước. "Độ tin cậy chính trị cao giữa hai bên sẽ mở ra chương mới của sự phát triển, nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản; đồng thời, thúc đẩy quan hệ mọi mặt về thương mại, kinh tế, đầu tư", Thủ tướng nhấn mạnh.

Chia sẻ với những khó khăn, thiệt thòi khi đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh, Thủ tướng mong các doanh nghiệp Nhật Bản luôn chia sẻ, thấu hiểu và kiên trì, mở rộng thị trường, mở rộng đầu tư về cả số lượng, chất lượng ở Việt Nam. "Khó khăn và thách thức đan xen nhưng thời cơ luôn lớn hơn. Thực tế các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam dù có khó khăn vẫn phát triển hiệu quả", ông nhận định.

Nhật Bản là nước cung cấp nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam (khoảng 27 tỷ USD), điều này càng ý nghĩa hơn khi Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc gặp gỡ kiều bào đã khẳng định "Vốn ODA của Nhật Bản đang phát huy rất tốt ở những cây cầu, con đường và nhiều dự án khác của Việt Nam". Theo ông, hai nước đang bước sang giai đoạn mới của ODA.

Gửi thông điệp tới các doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam luôn thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp. Việt Nam sẽ điều hành kinh tế tạo môi trường vĩ mô ổn định để nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thúc đẩy sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống bằng cách thực hiện miễn, giảm nhiều loại thuế, phí, lệ phí, giảm giá điện, cước phí viễn thông…

Làm việc với các lãnh đạo tập đoàn lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực chuyển đổi số, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định tăng trưởng xanh, chuyển đổi số là xu thế lớn của thế giới, đại dịch Covid-19 càng thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn ở nhiều quốc gia. "Chuyển đổi số tác động tới mọi quốc gia, là vấn đề toàn cầu nên cách tiếp cận phải toàn cầu, tác động tới mọi người dân nên cần cách tiếp cận toàn dân", ông nói.

Gặp Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam các khoản ODA thế hệ mới với cách làm và biện pháp mới, cùng ưu đãi tối đa, đủ lớn, linh hoạt để sử dụng trong nhiều lĩnh vực với thủ tục đơn giản nhất. Ông đồng thời cam kết Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ODA.
Gặp gỡ các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản hôm 23/11, Thủ tướng đề nghị nếu gặp khó khăn, vướng mắc, doanh nghiệp có thể trực tiếp liên hệ với bộ trưởng để xem xét giải quyết. "Vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, nếu không giải quyết được thì các ngài trực tiếp gửi thư đích danh cho Thủ tướng", Thủ tướng khẳng định ông luôn sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của doanh nghiệp.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản với chủ đề "Việt Nam - Nhật Bản nâng tầm quan hệ hợp tác cùng phát triển", Thủ tướng đưa ra nhiều thông điệp để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Ông nói những điều kiện thuận lợi này là cơ sở để 2 nước cùng hợp tác, cùng chiến thắng. Chiều 25/11, Thủ tướng cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Nhật Bản. Ông nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được chính quyền mới của Nhật Bản mời thăm chính thức và cũng là một trong những nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên Thủ tướng Kishida gặp trực tiếp sau khi Đảng Dân chủ tự do giành chiến thắng trong tổng tuyển cử Nhật Bản ngày 31/10.

 


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Các thông tin khác:
Tin mới nhất