Năm 2020, Việt Nam cần tới 530.000 lao động công nghệ thông tin

(TBTCO) - Khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng đang là các thị trường lao động tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Theo khảo sát của tổ chức Plan International, dự báo năm 2020 lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam cần tới 530.000 lao động.


Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Plan International Việt Nam.

Sáng 16/8, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo Kỹ thuật số ASEAN 2019. Được chính thức khởi động vào tháng 4/2018, Kỹ thuật số ASEAN là một trong những dự án trọng điểm của tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại khu vực Đông Nam Á, nhằm hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số đang vô cùng sôi động tại khu vực.

Hội thảo Kỹ thuật số ASEAN năm nay tập trung vào 4 chủ đề chính: chính sách dữ liệu, kỹ năng số, thanh toán điện tử và an ninh mạng. Trong đó, kỹ năng số ngày càng trở nên quan trọng hơn, đặc biệt khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang hiện diện gần như trong mọi mặt đời sống.

"Những công nghệ tân tiến nhất đang dần thay thế vai trò của con người trong các lĩnh vực như mã hóa số liệu. Giờ hầu như cái gì máy móc cũng đều có thể làm cả" – chia sẻ của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch hội đồng quản trị FPT tại hội thảo.

Trong khảo sát với 56.000 công dân ASEAN ở độ tuổi từ 15 – 35, khoảng 9% tin rằng kỹ năng hiện tại của họ đã lỗi thời, trong khi 52% trả lời rằng họ cần "nâng cao kỹ năng liên tục", chỉ có khoảng 18% cho rằng kỹ năng hiện tại của họ có thể giúp ích cho bản thân từ nay về sau.

Khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng đang là các thị trường lao động tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Theo khảo sát của tổ chức Plan International, dự báo năm 2020, lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam cần tới 530.000 lao động, mở ra nhiều cơ hội cho tất cả mọi người, đặc biệt là thanh thiếu niên.

Tuy nhiên, lĩnh vực công nghệ thông tin trên thế giới cũng như tại Việt Nam hiện đang mất cân bằng giới nghiêm trọng: lực lượng lao động là nam giới chiếm 70 - 80%, trong khi nữ giới chỉ chiếm 20 - 30%.

Nguyên nhân chính xuất phát từ các định kiến xã hội về phân chia lao động theo giới, khuôn mẫu giới trong các chương trình đào tạo công nghệ thông tin hay văn hóa doanh nghiệp. Trang bị kiến thức và kỹ năng số cho phụ nữ và thanh niên có hoàn cảnh khó khăn để họ không bị bỏ lại phía sau là một công việc vô cùng thiết yếu.

Ông John Barrett - quản lý chương trình "Kỹ năng và cơ hội việc làm cho thanh niên" của tổ chức Plan International chia sẻ: "Chúng tôi coi trọng vai trò của phụ nữ trẻ và thanh niên có hoàn cảnh khó khăn và cam kết họ không bị bỏ rơi trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này"./.

Ngọc Hoa


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Tin mới nhất