Khái quát thực trạng đào tạo và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp nhóm ngành Kĩ thuật - Công nghệ trong bối cảnh hiện nay


Khái quát thực trạng đào tạo và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp nhóm ngành Kĩ thuật - Công nghệ trong bối cảnh hiện nay

 

Hoàng Công Dụng

Email: hcdung@moet.gov.vn

SĐT: 0948 303 117

Trần Sâm

Email: tsam@moet.gov.vn

SĐT: 0888 991 177

Bộ Giáo dục và Đào tạo

35 Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam

 

TÓM TẮT

Trong những năm gần đây, khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ và tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, thị trường lao động và việc làm, nhất là các lĩnh vực liên quan đến kỹ thuật, công nghệ. Thị trường lao động trong và ngoài nước có những thay đổi nhanh chóng, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đại học có xu hướng biến động khó lường và có những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn về mức độ đáp ứng công việc. Tìm hiểu thực trạng đào tạo sinh viên các nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ hiện nay giúp có cái nhìn tổng thể về mức độ đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và xu hướng phát triển của các nhóm ngành này.

Hiện nay sinh viên các nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ là một trong những ngành chiếm số lượng rất lớn và là nguồn nhân lực có nhiều cơ hội tham gia vào thị trường lao động một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, mức độ đáp ứng yêu cầu công việc của sinh viên ra trường vẫn còn hạn chế, có những sinh viên ra trường làm không đúng ngành nghề đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm vẫn chiếm một tỷ lệ đáng kể.

TỪ KHÓA: Kỹ thuật; kỹ thuật công nghệ; sinh viên; việc làm; thất nghiệp.

Nhận bài 13/02/2020; Nhận kết quả phản biện và chỉnh sửa; Duyệt đăng.

Training and employment situation of graduates of Engineering - Technology majors in recent years

ABSTRACT: In recent years, science and technology have strongly developed and affected every aspect of social life, labor market and employment, especially in fields related to engineering and technology. The domestic and foreign labor market has changed rapidly, the demand for recruiting university gradutates tends to fluctuate unpredictably and there are higher requirements on job satisfaction. Understanding the current situation of training students of Engineering - Technology majors helps to have an overall view of the labor market demand and development trends of these industry groups.

The current context shows that the students of the Engineering - Technology majors are one of the sectors that account for a large number and are the human resources with many opportunities to participate in the labor market quickly. However, the level of meeting the job requirements of graduates is still limited, there are graduates who do not follow the training disciplines. Unemployed graduates still occupy a significant proportion.

KEYWORDS: Engineering;  technology; student; graduates; employment; unemployment.

1. Đặt vấn đề

Trong xu thế hội nhập và cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) hiện nay, khoa học, công nghệ và kỹ thuật là một yếu tố, một động lực tác động to lớn đến việc tăng trưởng và phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, nước ta cũng không thể nằm ngoài quy luật đó. Đây là chìa khoá cho việc hội nhập thành công, cho việc thực hiện rút ngắn quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước bắt kịp với các quốc gia khác trên thế giới. 

Thực tiễn cho thấy, đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực của CMCN 4.0, một số nhóm ngành "hot" xuất hiện trên cơ sở 3 nhóm chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý; với những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong CMCN 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối (Internet of Things_IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Thế giới đang trải qua những thay đổi lớn nhất của ngành công nghiệp trong hơn 100 năm qua và "Sản xuất" gắn với "Công nghệ", "Kỹ thuật" trở thành một chủ đề nóng hổi thu hút nhiều sự quan tâm.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, Giáo dục Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là giáo dục đại học đã đào tạo nhiều ngành, ở các lĩnh vực được coi là mũi nhọn, trong đó có các nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật và Kỹ thuật kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và yêu cầu của CMCN 4.0. Những kết quả khả quan đó đã là một trong những nét vẽ quan trọng tạo nên những diện mạo mới trong bức tranh phát triển đa sắc màu toàn cảnh về kinh tế - xã hội nước ta hiện nay.

Việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên là một vấn đề nhận được sự quan tâm từ các nhà nghiên cứu và quản lý giáo dục. Giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp là một nội dung quan trọng trong các chương trình nghị sự về giáo dục và giải quyết việc làm cho người lao động ở mỗi quốc gia. Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng với thế giới về kinh tế, khoa học kỹ thuật, việc làm của sinh viên nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ càng trở thành vấn đề cần phải được nghiên cứu thấu đáo ở nhiều khía cạnh, nhiều cách tiếp cận để đưa ra những dự báo, cảnh báo xu hướng phát triển của nhóm ngành này, những yêu cầu về số lượng, chất lượng đầu ra của sinh viên để từ đó hỗ trợ cho việc hoạch định chính sách, nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực của sinh viên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

 

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Tổng quan nghiên cứu

Năm 2017, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) biên soạn Tổng luận "Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4". Tổng luận đã khái quát toàn diện về những vấn đề cơ bản của CMCN lần thứ 4 và đưa ra một số khuyến nghị tiếp cận CMCN 4.0 đối với Việt Nam; khuyến nghị về chính sách công nghiệp mới được nêu trong tổng luận là hỗ trợ liên kết các hoạt động đổi mới, hỗ trợ các công nghiệp thượng nguồn, hỗ trợ kinh doanh và thu hút các công ty đa quốc gia. Tổng luận đã xác định những chiến lược và nhóm giải pháp phát triển ngành tự động hóa và công nghệ cao trong tiếp cận CMCN 4.0 của Việt Nam.

Một số cơ sở đào tạo đã tổ chức hội thảo khoa học bàn về các vấn đề liên quan đến giáo dục và đào tạo trong bối cảnh CMCN 4.0 như Học viện Quản lí Giáo dục đã tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế "Phát triển năng lực cán bộ quản lí giáo dục Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0", Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn (STU) đã tổ chức hội nghị "Giáo dục trong thời đại Cách mạng công nghiệp  4.0: Nhận định- Cơ hội- Thách thức- Nắm bắt", Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức Hội thảo cấp quốc gia với chủ đề "Đào tạo trực tuyến trong thời kì cách mạng công nghiệp 4.0".

Ngoài ra, còn có những công trình nghiên cứu, tài liệu và sách chuyên khảo luận bàn về CMCN 4.0 đặc biệt liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo (xin xem tài liệu tham khảo).

Ở Việt Nam, đã có nhiều đề tài, nghiên cứu về dự báo nói chung, dự báo giáo dục và dự báo nhân lực nói riêng. Tuy nhiên, những nghiên cứu riêng về dự báo nhu cầu nhân lực trình độ cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH) còn chưa được thể hiện rõ nét mà  mới chỉ ở mức độ tập trung vào thử nghiệm một số mô hình dự báo cầu nhân lực có trình độ CĐ, ĐH.

Từ năm 2000 đến nay, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nòng cốt là Trung tâm Phân tích và Dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực đã triển khai và được đẩy mạnh các nghiên cứu về phân tích và dự báo nhân lực và nhu cầu đào tạo nhân lực. Nhiều nhiệm vụ và đề tài nghiên cứu về nhu cầu đào tạo nhân lực như:

Về thống kê và phân tích chính sách nhân lực và nhu cầu đào tạo nhân lực có các nghiên cứu: "Nghiên cứu chính sách đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội ở một số trường đại học" (ThS. Nguyễn Văn Chiến, 2009); "Nghiên cứu phương pháp phân tích cầu nhân lực một số nước trên thế giới" (ThS. Phạm Văn Nam, 2011); "Tổ chức cơ sở dữ liệu và tính toán một số chỉ số cốt lõi của giáo dục và nhân lực Việt Nam" (ThS. Ngô Thị Thanh Tùng, 2010); "Sự tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực của người sử dụng lao động: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam" (ThS Phạm Văn Nam chủ nhiệm, 2012); "Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực ở một số quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi" (ThS. Nguyễn Thị Thu Mai, 2013);  "Nghiên cứu và cung cấp thông tin về xu thế và dự báo nhu cầu phát triển nguồn nhân lực bậc cao của Việt Nam và các nền kinh tế trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương" (2015); "Nghiên cứu nhu cầu đào tạo nhân lực cho khu vực nông thôn trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới" (TS. Trần Thị Thái Hà chủ trì, 2016-2017);

Về nghiên cứu dự báo nhân lực và nhu cầu đào tạo nhân lực có các nghiên cứu: "Nghiên cứu mô hình dự báo nhu cầu đào tạo trung cấp chuyên nghiệp" (Th.S Trần Thị Phương Nam chủ nhiệm, 2008-2010); "Nghiên cứu kinh nghiệm gắn kết giáo dục đại học với nhu cầu nhân lực của một số nước trên thế giới" (ThS. Đinh Thị Bích Loan chủ nhiệm, 2008); "Xây dựng bộ chỉ số phát triển nguồn nhân lực và sáng tạo" (TS. Trần Thị Thái Hà, trưởng nhóm nghiên cứu, 2010); " Nghiên cứu một số mô hình dự báo cung - cầu nhân lực được đào tạo trên thế giới (ThS. Mai Thị Thu chủ nhiệm, 2011); "Nghiên cứu xu hướng nhu cầu nhân lực có trình độ đại học của thị trường lao động Việt Nam trong bối cảnh hướng tới nền kinh tế tri thức (ThS. Đinh Thị Bích Loan chủ nhiệm, 2011);…

Nhìn chung, các nghiên cứu cho thấy, dù muốn hay không thì CMCN 4.0, với những đặc trưng là bắt nguồn từ công nghệ cũng đang thực sự diễn ra với cả cơ hội lẫn thách thức. Khoảng trống lớn nhất đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam trong thời đại công nghệ số là phải làm sao ‘xoá mù' công nghệ, đảm bảo mỗi công dân đều được trang bị kiến thức về công nghệ". Cụ thể hơn là phải ưu tiên tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, có đủ năng lực cần thiết, đặc biệt là lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ. Trong tình hình hiện nay, Việt Nam cần hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, cần có cơ chế phối hợp, liên kết giữa cơ sở đào tạo, nhất là các cơ sở giáo dục đại học ngành kỹ thuật- công nghệ với sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo

2.1. Thực trạng đào tạo và việc làm của sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát bằng phiếu và khảo sát trực tiếp đối với 42 cơ sở đào tạo có đào tạo các nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ, 193 đơn vị có sử dụng nhân lực các nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ, sinh viên đang học, sinh viên đã tốt nghiệp các nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ, trong đó tiến hành khảo sát, phỏng vấn trực tiếp một số chuyên gia, nhà khoa học, sinh viên đang học tại 34 trường đại học (ĐH) như: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Công nghiệp Hà Nội; ĐH Sư phạm Ký thuật Hưng Yên, ĐH Tôn Đức Thắng (phân hiệu tại Nha Trang, Khánh Hòa), ĐH Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, ĐH Nguyễn Tất Thành (TP Hồ Chí Minh), ĐH Kiến trúc (TP Hồ Chí Minh), ĐH Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh), ĐH Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương, ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương)…

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã thu thập, tổng hợp số liệu qua báo cáo tổng kết năm học của các cơ sở đào tạo cho Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục Đại học), tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp (qua Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực).

Qua khảo sát, nghiên cứu và thu thập số liệu, nhóm nghiên cứu tổng hợp và có một số nhận xét chủ yếu như sau:

 

2.1.1. Đào tạo trình độ đại học nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ

Theo Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT ngày 10/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học, khối ngành Công nghệ kỹ thuật trình độ đại học (mã số 751), trình độ thạc sĩ (mã số 851), trình độ tiến sĩ (mã số 951) đều với 06 nhóm ngành; Khối ngành Kỹ thuật trình độ đại học (mã số 752), trình độ thạc sĩ (mã số 852), trình độ tiến sĩ (mã số 952) với 06 nhóm ngành.

Theo Thông tư số 04/2017/TT-BLĐTBXH ngày 02/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Ban hành danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, Thông tư số 06/2019/TT-BLĐTBXH ngày 28/01/2019 Bổ sung ngành, nghề đào tạo vào Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BLĐTBXH ngày 02/3/2017  của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khối ngành Công nghệ kỹ thuật trình độ trung cấp (mã số 551), trình độ cao đẳng (mã số 651) đều với 10 nhóm ngành; Khối ngành Kỹ thuật trình độ trung cấp (mã số 552), trình độ cao đẳng (mã số 652) với 04 nhóm ngành và liên quan đến hai lĩnh vực trên còn có một số ngành, nhóm ngành và lĩnh vực khác.

Theo số liệu tổng hợp thông tin từ kỳ thi tuyển sinh quốc gia 2019, những ngành học được xem là những ngành học hot trong cuộc CMCN 4.0, cùng xu hướng lựa chọn của nhiều thí sinh, phụ huynh và cộng đồng thường quan tâm, bao gồm nhóm ngành: (1). Công nghệ thông tin (phân tích dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, an ninh mạng,…) và Công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh tài chính và nhiều lĩnh vực khác; (2). Công nghệ tự động hóa (cơ điện tử, điện tử, điều khiển tự động, chế tạo ô tô, chế tạo vật liệu,…); (3). Các ngành kỹ thuật xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, năng lượng, công nghệ in 3D; (4). Các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, kỹ thuật y sinh (tích hợp kỹ thuật số - vật lý - sinh học),… Khá nhiều tên ngành trên chưa  có trong Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV.

Như vậy, có thể nhận thấy CMCN 4.0 nhóm ngành nghề chịu tác động lớn nhất và chịu áp lực, đòi hỏi cao nhất trong số các nhóm ngành, ngành đào tạo, chính là nhóm ngành "Công nghệ kỹ thuật" và "Kỹ thuật".

Thực tiễn, trên cơ sở khảo sát, dự báo nhu cầu đào tạo, các cơ sở GDĐH đã có sự điều chỉnh về cơ cấu ngành nghề; nhiều trường đã tập trung vào mở mới và nâng cao chất lượng các ngành thuộc lĩnh vực CNTT, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sức khỏe và du lịch là những ngành đem lại nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ở trong nước cũng như việc dịch chuyển lao động trong khu vực ASEAN.

Theo số liệu tổng hợp của Vụ GDĐH, năm 2017, tổng số ngành mở mới ở trình độ đại học là 184 ngành, tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành Kỹ thuật, Công nghệ kỹ thuật, Máy tính và Công nghệ thông tin, Khoa học xã hội và hành vi, Pháp luật.

Từ năm 2018 trở lại đây, trong bối cảnh CMCN 4.0 tác động rộng khắp các lĩnh vực của xã hội, thực tế xã hội, ngành giáo dục, các cơ sở giáo dục, người học đã và đang chịu tác động không nhỏ từ nó với xuất hiện nhiều ngành, chuyên ngành liên quan đến công nghệ - kỹ thuật rải rác ở hầu hết các lĩnh vực, nhóm ngành. Tuy nhiên, sự quan tâm của nhân loại nói chung đều hướng đến hai nhóm ngành "Công nghệ kỹ thuật" và "Kỹ thuật" ở tất cả các trình độ đào tạo nghề sơ cấp nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; đặc biệt là các ngành, các trình độ đào tạo nhân lực trình độ cao, chất lượng cao.

Các cơ sở GDĐH tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo các ngành có khả năng đem lại nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ở trong nước cũng như việc dịch chuyển lao động trong khu vực ASEAN. Xu thế số lượng và tỷ lệ số ngành đào tạo trình độ đại học theo các nhóm ngành có liên quan đến công nghệ, kỹ thuật tăng, cụ thể năm 2018 với 1.471 lượt ngành tăng 33% so với năm 2017 và chủ yếu thuộc lĩnh vực CNTT, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sức khỏe và du lịch.

Như vậy, trong tương lai không xa, Danh mục giáo dục đào tạo các cấp sẽ có điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện đảm bảo phù hợp với các xu thế và thực tế trong bối cảnh CMCN 4.0 và nhiều xu thế mới khác (xem Bảng 1).   

Bảng 1: Số lượng ngành/nghề đào tạo theo trình độ (*_thống kê chưa đầy đủ) (Nguồn: Vụ GDĐH)

 

 

Stt

 

Nhóm ngành/nghề

Sô ngành/nghề đào tạo tương ứng các trình độ

Trung cấp

Cao đẳng

Đại học

Thạc sĩ

Tiến sĩ

1

Công nghệ kỹ thuật (mã lĩnh vực 51)

181

133

39

10

09

2

Kỹ thuật (mã lĩnh vực 52)

196

146

32

30

26

3

Các lĩnh vực khác (nhiều mã lĩnh vực)

*314

*296

29

22

20

Thực tế trong bối cảnh xã hội chịu tác động của cuộc CMCN 4.0, đã và đang xuất hiện nhiều ngành, chuyên ngành liên quan đến công nghệ - kỹ thuật rải rác ở hầu hết các lĩnh vực, nhóm ngành; theo đó số lượng các ngành/chuyên ngành của 02 lĩnh vực Công nghệ - Kỹ thuật tăng mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo cung ứng và nhu cầu sử dụng của các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sự quan tâm của nhân loại đều hướng đến hai nhóm ngành "Công nghệ kỹ thuật" và "Kỹ thuật" ở tất cả các trình độ đào tạo nghề sơ cấp nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; đặc biệt là các ngành, các trình độ đào tạo nhân lực trình độ cao, chất lượng cao.

Hiện hai nhóm ngành nghề đào tạo "Công nghệ kỹ thuật" và "Kỹ thuật" cùng số lượt ngành đào tạo theo các trình độ được mô tả theo Bảng 2:

Bảng 2: Số lượt ngành đào tạo theo các trình độ đào tạo (Nguồn: Vụ GDĐH)

 

Tên nhóm ngành

Số lượt ngành đào tạo theo các trình độ

Đại học

Thạc sĩ

Tiến sĩ

751

Công nghệ kỹ thuật

24

0

0

 

Liên quan đến Công nghệ

22

8

03

752

Kỹ thuật

34

23

10

 

Liên quan đến kỹ thuật

36

12

4

Qua thống kê số liệu số ngành trong Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV, có 18 ngành chung của 02 nhóm ngành trên, ngành có số cơ sở tham gia đào tạo trình độ đại học nhiều nhất là ngành Công nghệ thông tin với 124 lượt cơ sở GDĐH đã đăng ký mở ngành; đồng thời cũng không ít các nhóm ngành, ngành mà các cơ sở GDĐH không tham gia hoặc không đủ điều kiện mở ngành ở tất các các trình độ đào tạo; cụ thể như: Quản lý công nghiệp, Công nghệ dầu khí và khai thác, công nghệ in,… trong nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật chưa có cở sở GDĐH nào đăng ký mở ngành cho dù như cầu sử dụng nhân lực hiện không ít.

Tính đến tháng 9/2019 cả nước có 114 cơ sở đào tạo đào tạo ngành Kỹ thuật và Công nghệ kỹ thuật. Cụ thể như sau:

  • Khu vực Miền Bắc: 55 cơ sở;
  • Khu vực Miền Trung: 16 cơ sở;
  • Khu vực Miền Nam: 43 cơ sở.

Trong đó tập trung vào một số cơ sở đào tạo có quy mô lớn về số ngành đào tạo và số lượng tuyển sinh như: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (47); Trường Đại học Bách Khoa - ĐHQG TP.Hồ Chí Minh (33); Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (32 ngành đào tạo); Trường Đại học Điện lực (17) Trường Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội (16); Trường Đại học Hàng hải (16); Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh (15); Trường ĐH Công nghệ GTVT (15) (xem Bảng 3).

Bảng 3: Một số trường có quy mô đào tạo nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ nhiều nhất, năm 2019 (Nguồn: Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ GDĐT).

 

Stt

Cơ sở đào tạo

Số ngành đào tạo

Số lượng tuyển sinh

Loại hình trường

751

752

Khác

CL

NCL

1

Trường ĐH Bách Khoa - ĐHQG TP.HCM

03

15

15

4.680

x

 

2

Trường ĐHSP Kỹ thuật TP.HCM

40

07

0

4.665

x

 

3

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

01

14

17

4.660

x

 

4

Trường ĐH Điện lực

16

01

0

2.165

x

 

5

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM

15

0

0

2.075

x

 

6

Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp - ĐH Thái Nguyên

05

06

0

1.755

x

 

7

Trường ĐH Công nghệ GTVT

15

0

0

1.295

x

 

8

Trường ĐHGTVT Hà Nội

01

10

0

1.250

x

 

9

Trường ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội

03

13

0

1.190

x

 

10

Trường ĐH Hàng hải

16

0

0

1.005

x

 

TỔNG CỘNG

115

66

32

24.540

10

0

Kết quả tuyển sinh năm 2019, số liệu chỉ tiêu và số thí sinh nhập học các nhóm ngành của 02 nhóm ngành trên cụ thể: Nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật có 30 ngành với mã từ 7510102 đến 7519002 có tổng chỉ tiêu được các cơ sở GDĐH xác định là 42,652 chỉ tiêu và có 34,194 thí sinh nhập học đạt tỷ lệ 80,2%; Nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật có 28 ngành với mã từ 7520101 đến 7520607 có tổng chỉ tiêu được các cơ sở GDĐH xác định là 26,987 chỉ tiêu và có 22,648 thí sinh nhập học đạt tỷ lệ 83,9%.

Theo số liệu tổng hợp kết quả kỳ thi tuyển sinh quốc gia liên quan đến số sinh viên đến nhập học của 02 nhóm ngành "Công nghệ kỹ thuật" và "Kỹ thuật" hai năm 2018, 2019 được cụ thể tại Bảng 4 dưới đây, Theo đó, so với năm 2018 chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019 nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật tăng 2,990 thí sinh (tăng 9,58%), nhóm ngành kỹ thuật tăng 1,285 (tăng 5,96%).

Bảng 4: Quy mô tuyển sinh của nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ kỹ thuật năm 2018, 2019

Số TT

Lĩnh vực/nhóm ngành

Quy mô tuyển sinh tương ứng các nhóm ngành theo năm

Năm 2018

Năm 2019

Tỷ lệ tăng %

 

1

Công nghệ kỹ thuật (751xxxx)

31,204

34,194

9,58

 

2

Kỹ thuật (752xxxx)

21,373

22,648

5,96

 

(Nguồn: Vụ GDĐH, Bộ GDĐT)

Như vậy, xã hội xuất hiện một số ngành đào tạo được xem là những ngành hot trong cuộc CMCN 4.0, cùng xu hướng lựa chọn của nhiều thí sinh, phụ huynh và cộng đồng thường quan tâm, bao gồm các ngành: (1). Công nghệ thông tin (CNTT) bao gồm: phân tích dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, an ninh mạng,… và CNTT trong hoạt động kinh doanh tài chính và nhiều lĩnh vực khác; (2). Công nghệ tự động hóa (cơ điện tử, điện tử, điều khiển tự động, chế tạo ô tô, chế tạo vật liệu,…); (3). Các ngành kỹ thuật xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, năng lượng, công nghệ in 3D; (4). Các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, kỹ thuật y sinh (tích hợp kỹ thuật số - vật lý - sinh học),… Khá nhiều tên ngành trên chưa  có trong Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV, trong đó số lượng các ngành/chuyên ngành của 02 lĩnh vực Công nghệ - Kỹ thuật tăng mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo cung ứng và nhu cầu sử dụng nhân lực đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Như vậy, CMCN 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ tới nhóm ngành đào tạo nói chung; trong đó, chịu tác động lớn nhất và áp lực đòi hỏi cao nhất chính là nhóm ngành "Công nghệ kỹ thuật" và "Kỹ thuật".

  1. Tình hình việc làm của sinh viên nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ

Các cơ sở đào tạo đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ sinh viên trong việc tìm kiếm việc làm sau tốt nghiệp như: kết nối với doanh nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho sinh viên, đào tạo theo đơn đặt hàng, hỗ trợ nhà trường, sinh viên đi thực tế, thực tập; tư vấn nghề nghiệp cho sinh viên; điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp với yêu cầu xã hội, đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp; phối hợp với các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động tổ chức ngày hội việc làm, tạo cơ hội kết nối trực tiếp giữa sinh viên và người sử dụng lao động.

Tổng hợp báo cáo khảo sát tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp của các cơ sở đào tạo, các nhóm ngành có sự chênh lệch rất lớn về số lượng sinh viên theo học và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp. Các nhóm ngành có số lượng sinh viên theo học cao nhất là Kinh doanh và quản lý, Công nghệ kỹ thuật, Kiến trúc và xây dựng, Kỹ thuật với hàng chục nghìn sinh viên tốt nghiệp mỗi năm. Bên cạnh đó, có những nhóm ngành có rất ít sinh viên theo học như Dịch vụ xã hội, Khoa học tự nhiên, Môi trường và bảo vệ môi trường mỗi năm chỉ có một vài nghìn sinh viên tốt nghiệp (xem Bảng 4 và Bảng 5).

Bảng 4: Một số lĩnh vực đào tạo có số lượng sinh viên lựa chọn lớn, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao (Nguồn: Vụ GDĐH, Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ GDĐT).

 

Stt

Lĩnh vực đào tạo

2016

2017

2018

Số lượng

Tỷ lệ SV có việc làm

Tỷ lệ SV có việc làm

Số lượng

Tỷ lệ SV có việc làm

1

Kỹ thuật

6.985

70,1%

91%

10.110

97,3%

2

Kinh doanh và Quản lý

42.746

65,5%

90%

34.818

94,9%

3

Kiến trúc và Xây dựng

9.525

75,9%

93%

10.543

94,6%

4

Máy tính và Công nghệ thông tin

6.623

69,4%

90%

7.186

93,9%

5

Công nghệ kỹ thuật

10.016

54,7%

89%

12.194

93,1%

Bảng 5: Một số lĩnh vực đào tạo có số lượng sinh viên lựa chọn ít, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm thấp (Nguồn: Vụ GDĐH, Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ GDĐT).

 

Stt

Lĩnh vực đào tạo

2016

2017

2018

Số lượng

Tỷ lệ SV có việc làm

Tỷ lệ SV có việc làm

Số lượng

Tỷ lệ SV có việc làm

1

Môi trường và Bảo vệ môi trường

1.689

58,9

83%

3.562

80,4%

2

Dịch vụ xã hội

902

52,8

79%

1,026

82,3%

3

Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản

2.228

61,0

88%

5.677

82,7%

4

Pháp luật

3.066

58,1

83%

5.398

87,2%

5

Khoa học tự nhiên

2.127

67,9

85%

3.477

87,6%

Theo báo cáo năm 2019 của 75 đại học, trường đại học, học viện cơ sở có đào tạo nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp như sau:

- Số sinh viên tốt nghiệp năm 2018:

+ Công nghệ kỹ thuật: 16.705sv (trong đó, nữ 2.824sv, chiếm 16,9%);

+ Kỹ thuật: 13.681sv (trong đó, nữ 1.760sv, chiếm 12,9%).

- Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp (trên tổng số sv có phản hồi):

+ Công nghệ kỹ thuật: 93,1% (12.194sv/13.098sv);

+ Kỹ thuật: 97,3% (10.110sv/10.391sv).

Bảng 6: Tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp (Nguồn: Vụ GDĐH, Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ GDĐT)

 

Stt

 

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

1

Ngành Công nghệ kỹ thuật

54,7%

89,0%

93,1%

2

Ngành Kỹ thuật

70,1%

91,0%

97.3%

3

Tỷ lệ việc làm chung của tất cả các ngành

86,1%

87%

91,6%

Số liệu thống kê ở Bảng 6 cho thấy nhóm ngành Kỹ thuật có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao nhất so với tất cả các nhóm ngành khác và cao hơn tỷ lệ chung của năm 2018 là 5,7%.

Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy, các doanh nghiệp được khảo sát đánh giá khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật – Công nghệ ở mức "rất hài lòng" chiếm 5,56%, "hài lòng" chiếm 86,11%, "không hài lòng" tương ứng với 7,41%, và 0,93% không đưa ra nhận định. Đây là một tín hiệu tích cực đối với các cơ sở giáo dục đại học ngành Kỹ thuật – Công nghiệp trong việc tiếp tục đổi mới cách thức đào tạo cho nguồn nhân lực của ngành.

Tín hiệu tích cực được phát ra từ doanh nghiệp còn được thể hiện ở sự đánh giá mức độ phù hợp đào tạo với công việc của sinh viên ngành kỹ thuật – công nghệ khi tỷ lệ phù hợp này ở mức khá cao (90,72) các doanh nghiệp cho rằng có sự phù hợp giữa đào tạo và yêu cầu công việc và số rất ít cho rằng chưa có sự phù hợp giữa đào tạo và yêu cầu công việc (2,06%), số còn lại đánh giá rất phù hợp (7,22%).

Tuy nhiên, mặc dù có sự ghi nhận tích cực về kết quả đào tạo nguồn nhân lực nhưng vẫn còn những bất cập trong đào tạo sinh viên của ngành kỹ thuật – công nghiệp.

Cũng theo kết quả khảo sát thực tế của nhóm nghiên cứu cho thấy, bên cạnh tỷ lệ 33,33% số doanh nghiệp được khảo sát đánh giá không có sự bất cập trong đào tạo của sinh viên nhóm ngành Kỹ thuật – Công nghệ thì có đến 33,33% doanh nghiệp trả lời có bất cập trong đào tạo đối với sinh viên. Trong khi vẫn còn một số nhỏ doanh nghiệp là không quan tâm đến vấn đề đào tạo này (3,7%). Đây là vấn đề mà các cơ sở giáo dục đại học phải hết sức quan tâm đến chương trình, cách thức đào tạo của mình.

2.2. Đánh giá chung

Trong những năm gần đây, số lượng cơ sở đào tạo nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số các cơ sở đào tạo đại học của cả nước (111 trong số 235, tương đương với 47,2%). Có thể xem đây là một tiềm năng lớn có thể đáp ứng về số lượng cơ sở đào tạo để chuẩn bị nhân lực ngành Kỹ thuật - Công nghệ trong tiến trình diễn ra cuộc CMCN 4.0 tại Việt Nam.

Bên cạnh một số cơ sở đào tạo nhóm ngành Kỹ thuật- Công nghệ đã chủ động, tích cực, tìm các nguồn lực nhằm nhanh chóng phát triển đội ngũ, tăng cường cơ sở vật chất, điều chỉnh mục tiêu, chương trình và phương thức đào tạo, mở các ngành mới thì không ít các cơ sở hầu như không có nhiều thay đổi trong đào tạo. Cụ thể: cơ sở, vật chất chưa đáp ứng, đội ngũ cán bộ, giảng viên cơ hữu chưa đảm bảo, chậm đổi mới trong công tác tuyển sinh và đào tạo.

Theo số liệu thống kê và thực tiễn cho thấy, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ trong 2 năm gần đây đã tăng nhanh về số lượng và tỷ lệ, và cao hơn hẳn so với tỷ lệ có việc làm chung của tất cả các ngành. Có trường đào tạo không đủ nguồn cung cho các đơn vị tuyển dụng (ĐH Thủ Dầu Một), có trường luôn có số lượng đào tạo và tỷ lệ việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp rất cao như ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, ĐH Kiến trúc, ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Như vậy cho thấy, hiện nay thị trường lao động đang có dấu hiệu "rất khát" nhân lực nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ. Nhiều cơ sở đào tạo cho biết, hầu hết các sinh viên năm cuối nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ thường có các đơn vị nhận trước ngay từ năm cuối, thậm chí từ năm thứ 3 với nhiều chính sách hỗ trợ và ưu đãi. Một số doanh nghiệp còn đặt hàng cơ sở đào tạo trong việc đào tạo nhân lực.

Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực các nhóm ngành Kỹ thuật – Công nghệ vẫn còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, vẫn còn độ vênh giữa chương trình đào tạo với yêu cầu nhân lực, sinh viên chưa nhận thức đúng về ngành nghề, còn thiếu kỹ năng làm việc nhóm, tiếp cận công việc chậm, thái độ đối với công việc chưa đúng (chưa chuyên tâm, hoặc/và "nhảy" việc nhiều).

Công tác khảo sát tình hình việc làm sinh viên sau tốt nghiệp, công tác dự báo nhu cầu nhân lực nói chung và nhân lực nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế.

2.3. Khuyến nghị và giải pháp

2.3.1. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trình độ đại học

Trong thời gian tới, giáo dục nói chung và GDĐH nói riêng, đặc biệt là trong đào tạo các ngành thuộc nhóm ngành công nghệ - kỹ thuật cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng chất lượng đào tạo, cụ thể như:

- Các cơ sở GDĐH tích cực đổi mới công tác xây dựng chương trình đào tạo, trong đó có sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà sử dụng lao động, doanh nghiệp; xây dựng, phát triển chương trình đào tạo và công bố chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo theo quy định của Khung trình độ quốc gia của Việt Nam. Phát triển bền vững các chương trình chất lượng cao, theo đó khuyến khích các cơ sở đào tạo nhập khẩu chương trình phù hợp với năng lực và đặc điểm của từng trường tiến tới đạt chuẩn khu vực và quốc tế;

 - Dự báo nhu cầu nhân lực theo các phân khúc khác nhau để từ đó xác định rõ mục tiêu đào tạo của từng ngành đào tạo cụ thể đáp ứng với từng phân khúc lao động của thị trường.

 

2.3.2. Tăng cường giáo dục kỹ năng, kiến thức, tư duy sáng tạo cho sinh viên

Sự thay đổi hiện nay của sản xuất và cơ cấu nhân lực trong thị trường lao động đặt ra nhiều vấn đề đối với giáo dục Việt Nam, đó là cấp thiết tăng cường giáo dục những kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo khả  năng thích nghi với những yêu cầu của cuộc CMCN 4.0, dựa trên một số cơ sở:

- Thứ nhất, đáp ứng nhu cầu nhân lực có chất lượng cao và đa dạng ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế 4.0, đòi hỏi các cơ sở GDĐH phải đổi mới mạnh mẽ từ hoạt động đào tạo đến quản trị nhà trường để tạo ra những "sản phẩm"- người lao động tương lai có năng lực làm việc trong môi trường sáng tạo và cạnh tranh. 

- Thứ hai, đáp ứng nhân lực cho nền kinh tế sáng tạo, đòi hỏi phải thay đổi các hoạt động đào tạo, nhất là phương thức và phương pháp đào tạo với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin.

 - Thứ ba, sự thay đổi trong quản trị nhà trường đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0 tác động đến bố trí cán bộ quản lý, phục vụ và đội ngũ này cần phải được chuyên nghiệp hóa và có khả năng sáng tạo cao, có phương pháp đào tạo hiện đại với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin.

 - Thứ tư, cần chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình và hướng tới chỉ đào tạo "những gì thị trường sẽ cần".

2.3.3. Tăng cường đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu và dự báo nhu cầu thị trường lao động trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0

Do chưa xác định được đúng vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở GDĐH, thị trường lao động và sinh viên với mối liên kết còn lõng lẻo; mối quan hệ tương tác, tác động lẫn nhau chưa bền chặt chính là nguyên nhân, là điều kiện, là kết quả của nhau để tiếp cận CMCN 4.0 trong lĩnh vực giáo dục. Vậy làm thế nào chúng ta có thể áp dụng điều đó vào lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là GDĐH đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 và thế giới việc làm.

Xây dựng và ban hành văn bản nhằm tăng cường một số biện pháp đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong điều kiện CMCN 4.0, cụ thể như: Điều chỉnh, cập nhật và phát triển chương trình đào tạo; đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học; hợp tác doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước nhằm cập nhật những công nghệ mới áp dụng vào giảng dạy; tìm hiểu nhu cầu của thị trường lao động để trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng, chuyên môn vững vàng; khả năng tự học và khả năng sáng tạo; phương pháp, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp; ngoại ngữ và các kỹ năng mềm....  

Nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy của giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục thông qua các chuơng trình đào tạo, bồi duỡng, trao đổi học giả giữa các trường của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới; thu hút chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam có trình độ cao ở nước ngoài tham gia giảng dạy, nghiên cứu;

 

2.3.4. Củng cố và mở rộng mối quan hệ hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong bối cảnh CMCN 4.0

- Giao nhiệm vụ cho 02 đề tài nghiên cứu cấp quốc gia: (1) Nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo đến năm 2025; (2) Nghiên cứu mô hình trường đại học đáp ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Mô hình "Đại học 4.0" giúp cho việc phân tích, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự thích ứng của các cơ sở GDĐH trong việc đáp ứng nhu cầu này.

- Phối hợp với Ngân hàng thế giới để triển khai xây dựng Kế hoạch tổng thể phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn 2035, trong đó tiến hành những nghiên cứu dự báo về những kỹ năng, ngành nghề mới trọng tâm trong tương lai để đáp ứng sự thay đổi của khoa học công nghệ và phương thức sản xuất do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

- Quy định về xây dựng, thẩm định chương trình đào tạo, giảng dạy, hướng dẫn thực tập, thực hành, đánh giá các luận văn theo hướng ứng dụng phải có các nhà quản lý, các chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp tham gia.

- Các cơ sở GDĐH bắt buộc khảo sát, thống kê và công khai tỷ lệ sinh viên ra trường có việc; đồng thời tiến hành xác thực thông tin do các cơ sở cung cấp. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm sẽ được coi là một trong các tiêu chí quan trọng làm căn cứ đánh giá năng lực và chất lượng đào tạo của cơ sở GDĐH và xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

- Các cơ sở GDĐH tiến hành nghiên cứu, khảo sát nhu cầu của thị trường lao động đối với các ngành nghề mở mới mà không chỉ dựa vào năng lực của cơ sở đào tạo.

 

  1. Kết luận

Nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực Kỹ thuật - Công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng để đáp ứng xu hướng phát triển của xã hội, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Giáo dục và giáo dục đại học Việt Nam cần có có sự chuyển biến tích cực theo hướng mở, ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ, khoa học giáo dục, công nghệ số, nắm bắt xu hướng phát triển của thị trường lao động, việc làm. Đây là yếu tố then chốt tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có đủ khả năng tiếp cận và là một yêu cầu cấp thiết đối với ngành giáo dục hiện nay.

Việc xác định rõ trách nhiệm của mỗi sinh viên, cơ sở đào tạo, ngành giáo dục, ngành lao động và toàn thể xã hội sẽ là yếu tố quan trọng giúp sinh viên nói chung và sinh viên các nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ ra trường có nhiều cơ hội việc làm và làm đúng với ngành nghề đào tạo, áp dụng tốt kiến thức, kỹ năng vào công việc của mình, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tránh lãng phí tiền của, công sức của bản thân và của xã hội.

 

Tài liệu tham khảo

[1] Báo cáo và nguồn dữ liệu thống kê Kết quả khảo sát và công khai tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp (năm 2016, 2017, 2018), Bộ Giáo dục và Đào tạo.

[2] Báo cáo tổng kết năm học và nguồn dữ liệu thống kê của Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo

[3] Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ (2017), Tổng luận "Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4"

[3] Học viện Quản lí Giáo dục (2017), Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế "Phát triển năng lực cán bộ quản lí giáo dục Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0", NXB Đại học Kinh tế quốc dân

[4] Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn (STU, 2017)  Kỷ yếu Hội nghị"Giáo dục trong thời đại Cách mạng CN 4.0: Nhận định- Cơ hội - Thách thức - Nắm bắt".

[5] Trường Đại học Kinh tế quốc dân (2017), Kỷ yếu Hội thảo cấp quốc gia "Đào tạo trực tuyến trong thời kì cách mạng công nghiệp 4.0".

[6] Nguyễn Đắc Hưng (2018), "Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và vấn đề đặt ra với Việt Nam", NXB Quân đội Nhân dân.

[7] Phan Văn Kha (2008),"Cơ sở khoa học của việc xác định cơ cấu ngành đào tạo đại học trong tiến trình hội nhập quốc tế". Đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ.

[8] Cao Hào Thi, Nguyễn Ngọc Bình Phương, Nguyễn Thanh Hùng, Trương Minh Chương, Hà Văn Hiệp (2011), "Dự báo nguồn nhân lực Công nghệ thông tin của thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2011- 2020", Tạp chí Phát triển KH&CN, Tập 14, số q2, 2011.

[9] Dr. Sebastian Schlund, Moritz Hämmerle (2014), Tobias StrölinIndustry 4.0 – a revolution in work organization, Ingenics AG Headquarters.

Các tài liệu kèm theo:

/documents/1046433/1048174/01+Thuc+trang+DT+va+VLSVTN-t7.2020.pdf/aa3ecbcf-d90d-4cff-92d0-180279545cbc

/documents/1046433/1048174/Final+cleaned_ENG_Summary_Jobs+after+graduation-17+June++2+.pdf/eb85d285-86aa-4b65-92d6-3c857494c3c3

/documents/1046433/1048174/Final+cleaned_VNese_Summary_Jobs+after+graduation-17+June++3+.pdf/d79db93a-cba1-438c-8fd0-1c5128c8e7c5

/documents/1046433/1048174/TSC+infographic+ENG_final+1.pdf/eba5e185-a613-49d1-aa4c-89ea72ca0bc8

/documents/1046433/1048174/TSC+infographic+VNese_final+1.pdf/f415ea0b-920b-434c-89f5-1d473939b0fe


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Các thông tin khác:
Tin mới nhất