Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ GDĐT

Sáng 8/3, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã có cuộc làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về định hướng phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì cuộc làm việc.


Cùng dự về phía Bộ GDĐT có các Thứ trưởng: Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Hữu Độ, Phạm Ngọc Thưởng, Ngô Thị Minh, Hoàng Minh Sơn; đại diện lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ GDĐT.

Về phía thành phố Hà Nội có Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Chu Ngọc Anh; Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; cùng đại diện Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố và đại diện các cơ quan, sở ngành có liên quan của Hà Nội.

Nhiều quyết sách phù hợp thực tế, thúc đẩy phát triển giáo dục

Báo cáo về hoạt động giáo dục năm học 2021-2022 và công tác phát triển giáo dục, đào tạo của thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: Toàn thành phố hiện có 2.835 trường mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 01 trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục với 2.206.906 học sinh và 138.090 giáo viên.

Quang cảnh cuộc làm việc

Năm 2021, công tác dạy và học của ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. UBND Thành phố đã trình HĐND ban hành các Nghị quyết và nhiều quyết sách, đề ra các chỉ tiêu phát triển giáo dục; đồng thời nỗ lực khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo trong công tác quản lý, tổ chức dạy và học, thực hiện thành công "mục tiêu kép": Vừa phòng chống dịch vừa tổ chức dạy tốt, học tốt.

Thành phố đã thống nhất chủ trương giảm 50% học phí cả năm học 2021-2022 cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập, dân lập, tư thục; ban hành một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Năm học 2021-2022 là năm học thứ hai triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, các nhà trường đã thực hiện tốt các bước triển khai đảm bảo tiến độ đề ra. Các nhà trường duy trì hình thức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến ngay từ sau ngày khai giảng năm học mới 2021-2022, từng bước nâng cao chất lượng dạy học trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh COVID-19, hoàn thành chương trình, nội dung dạy học, việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh học thực hiện theo quy định.

Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển. Năm 2021, có 1.058 thí sinh đạt giải quốc tế, trong đó có 187 Huy chương Vàng, 269 Huy chương Bạc, 379 Huy chương Đồng và 223 giải Khuyến khích). Hà Nội cũng có số thí sinh đạt giải nhiều nhất cả nước, gồm 139 thí sinh đạt giải, với 11 giải Nhất.

Ngành Giáo dục Thủ đô xác định trọng tâm giai đoạn 2021-2025 thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông mới theo đúng hướng dẫn của Bộ GDĐT; rà soát sắp xếp mạng lưới trường lớp và hoàn thiện quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên của Thành phố; Đổi mới công tác quản lý giáo dục đào tạo; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy - học và công tác quản lý giáo dục; Đầu tư cơ sở vật chất và tăng nguồn lực cho phát triển giáo dục…

Về lộ trình đưa học sinh đến trường học trực tiếp, Phó Chủ tịch TP Hà Nội cho hay: Việc thực hiện đưa học sinh trở lại trường được theo tinh thần tự nguyện của cha mẹ học sinh. Chỉ tổ chức dạy học trực tiếp tại các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2.

Tính đến ngày 6/3, học sinh tiểu học và khối 6 THPT của Hà Nội tiếp tục thực hiện dạy và học trực tuyến; số học sinh từ lớp 7 đến lớp 9 đến trường học trực tiếp chiếm 46,07%; số học sinh THPT học trực tiếp chiếm 58,45%.

Khó khăn của Hà Nội hiện nay là do tác động của dịch bệnh, một số cơ sở giáo dục mầm non giải thể hoặc nguy cơ giải thể; nhiều giáo viên, nhân viên mầm non bỏ nghề, chuyển nghề do thu nhập quá thấp dẫn đến nguy cơ thiếu giáo viên, nhân viên khi trẻ được đi học trở lại.

Giáo dục và đào tạo là công việc của cả hệ thống chính trị

Trao đổi tạo cuộc làm việc, các ý kiến từ phía thành phố Hà Nội và Bộ GDĐT đều tập trung phân tích, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển giáo dục Thủ đô tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại cuộc làm việc

Trong đó, một số đề xuất được Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nêu ra như: Thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp ra khỏi nội đô; tính toán ban hanh các tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng đối với các đô thị đặc thù như Hà Nội, TPHCM; nghiên cứu quy định cho các địa phương có độ mở về kinh tế như Hà Nội được chủ động hơn hội nhập quốc tế về giáo dục; linh hoạt về đội ngũ, tổ chức bộ máy...

Các Thứ trưởng Bộ GDĐT trong nội dung trao đổi cũng đã đề nghị Hà Nội cần có giải pháp nhằm rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các quận huyện trên địa bàn; quan tâm đến quỹ đất cho giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục đại trà; giảm sĩ số học sinh trên lớp; chăm lo công tác bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên; giải quyết tốt vấn đề thừa thiếu giáo viên; chú trọng phát huy tối đa nguồn lực trí tuệ từ các trường đại học đóng trên địa bàn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển hệ thống trường ngoài công lập...

Nhắc tới một số kết quả đã đạt được và những hạn chế, tồn tại của giáo dục Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng: Cần nhìn nhận rõ những kết quả, thuận lợi, khó khăn, tìm hiểu căn cơ nguyên nhân khó khăn, hạn chế, nhất là nguyên nhân chủ quan để tìm ra giải pháp và tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Bí thư Thành ủy cũng khẳng định: Hà Nội luôn xác định giáo dục và đào tạo là công việc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền các cấp.

Yêu cầu rất đúng, nhưng cũng rất khó với Thủ đô hiện nay là giảm sĩ số học sinh trên lớp. Chia sẻ điều này, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng bài toán quy hoạch mạng lưới là vô cùng quan trọng, giảm tải trong nội đô - đây là việc dài hơi. "Phát triển giáo dục phải phù hợp với phát triển kinh tế xã hội từng địa phương, từng địa bàn và phù hợp chung với cả nước" - ông Đinh Tiến Dũng cho hay.

Về những nội dung cần tập trung, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh đến việc xây dựng trường chuẩn quốc gia và quan tâm đến nhóm vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Cùng với đó là tiếp tục các giải pháp nâng cao chất lượng, tăng cường xã hội hóa giáo dục, cải cách hành chính … Công tác phòng chống Covid-19 trong trường học cũng sẽ được tiếp tục quan tâm chỉ đạo theo hướng thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Giáo dục Hà Nội cần hướng đến chuẩn cao hơn chuẩn cả nước

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã đề cập tới những đặc thù của giáo dục Hà Nội, đó là quy mô lớn, áp lực lớn, đòi hỏi cao, kỳ vọng nhiều và thách thức rất lớn. Mặc dù còn nhiều việc phải làm để đáp ứng được mong mỏi và kỳ vọng, song theo đánh giá của Bộ trưởng, chất lượng giáo dục của Thủ đô vẫn nằm trong nhóm hàng đầu của cả nước.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc làm việc

Khẳng định giáo dục và đào tạo Thủ đô có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ bởi quy mô chiếm đến khoảng 10% của giáo dục phổ thông và 50% hệ thống giáo dục đại học cả nước, mà quan trọng hơn, theo Bộ trưởng, còn bởi tính chất đầu tàu, lan tỏa, dẫn dắt cả hệ thống giáo dục nói chung.

"Sẽ không thể có Thủ đô văn hiến, không có người Hà Nội thanh lịch nếu không có một nền giáo dục tốt, văn hiến, thanh lịch không thể xây dựng trên một nền tảng giáo dục trung bình", nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời cho rằng, giáo dục Hà Nội cần hướng đến hệ thống chuẩn cao hơn chuẩn cả nước và hướng tới chuẩn quốc tế, cần đi trực tiếp hơn nữa vào chất lượng.

Để thực hiện được mục tiêu chất lượng, Bộ trưởng đề nghị Hà Nội cần có một kế hoạch, thậm chí là chiến lược để đạt mục tiêu giảm sĩ số học sinh/lớp. Đây là việc rất lớn và cần vận dụng mọi giải pháp để đạt được mục tiêu này. Trong đó có giải pháp cho từng nhóm, từng khối, từng khu vực; khối đô thị cổ có giải pháp khác, khối đô thị cũ có giải pháp khác, đô thị mới hiện đại, đô thị sắp hình thành có giải pháp khác…

Đối với giáo dục phổ thông, theo Bộ trưởng, quan trọng là phát triển phương diện con người về đạo đức, trí tuệ, thẩm mĩ. Không gian giáo dục của Hà Nội không chỉ trong trường học, mà còn có cả các công viên, nhà văn hóa, khu thể thao, thư viện, bảo tàng, các không gian văn hóa công cộng… Thành phố cần tận dụng, có định hướng khai thác toàn bộ tiềm lực không gian văn hóa này để phát triển giáo dục một cách toàn diện, có chiều sâu và chất lượng. "Đây là lợi thế hơn hẳn các địa phương khác", Bộ trưởng nói.

Về giải pháp chính sách, Bộ trưởng đề nghị thành phố xem xét thí điểm, ban hành một số chính sách riêng cho Thủ đô, như chính sách hợp tác công tư trong giáo dục, mô hình trường liên cấp, giải pháp huy động giáo viên, giải pháp kiến trúc, không gian trường học... Bộ GDĐT cam kết sẽ cùng tham gia phối hợp, đồng thời sẽ rà soát hệ thống các chính sách hiện hành để mở đường cho phát triển giáo dục, cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Để có các căn cứ phục vụ công tác quy hoạch, đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị Hà Nội sớm có đánh giá dự báo về nhu cầu nhân lực của thành phố. Thành phố cũng cần xem xét phát triển mô hình các trường năng khiếu, bên cạnh trường chuyên để chăm sóc, nuôi dưỡng, ươm mầm các tài năng từ sớm nhất, theo hình thức cả công và tư.

Ngoài ra, trong phát triển đô thị thông minh, Hà Nội cần tính đến phát triển không gian học tập, xã hội học tập cho học tập suốt đời, để nơi nào cũng có thể học, thỏa mãn bất cứ nhu cầu nào về học tập. Bởi một đô thị đẳng cấp, chất lượng, đổi mới sáng tạo, đô thị số không thể thiếu việc này.

Tại cuộc làm việc, Thường trực Thành ủy Hà Nội và Ban Cán sự Đảng Bộ GDĐT đã thống nhất xem xét thành lập tổ công tác, xây dựng chương trình phối hợp công tác để cùng song hành phát triển giáo dục Thủ đô.

Trung tâm Truyền thông Giáo dục-https://moet.gov.vn/


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Các thông tin khác:
Tin mới nhất