Hợp tác hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực nguồn nhân lực cao cho Đắk Lắk, các tỉnh địa bàn Tây Nguyên

Chuẩn bị hợp tác nhằm xây dựng hệ sinh thái giới thiệu việc làm cho sinh viên; hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực nguồn nhân lực cao cho Đắk Lắk, các tỉnh địa bàn Tây Nguyên

Vừa qua, Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ GD&ĐT đã có chuyến công tác và làm việc với một số đơn vị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk


Kết nối giữa các cơ sở đào tạo và các đơn vị sử dụng nhân lực

Trong các ngày 13-15/01/2022, Đoàn công tác do ông Bùi Văn Linh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (MOET-TSC) làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Trường Đại học Tây Nguyên, Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk, Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh Đắk Lắk, Phòng Giáo dục Đào tạo TP Buôn Ma Thuột, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk để bàn, thảo luận về việc tăng cường hợp tác giữ Trung tâm với các đơn vị. 

Cùng đi có ông Trần Phương - Phụ trách phòng Nghiên cứu và Dự báo, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Giáo dục quốc tế GAIA, Chi nhánh số 1 tại TP. Hồ Chí Minh.

Tại buổi tiếp và làm việc với lãnh đạo Trường Đại học Tây Nguyên vào chiều ngày 15/01/2022, hai bên đã trao đổi một số vấn đề liên quan đến việc tổ chức hỗ trợ sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp, tìm kiếm cơ hội làm thêm, giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp; cử học sinh, sinh viên đi đào tạo ở nước ngoài theo hình thức trao đổi ngắn hạn, thực tập sinh, vừa học vừa làm, rèn luyện kỹ năng….

MOET-TSC sẽ kết nối để giới thiệu sinh viên của nhà trường đi thực tập hoặc thực tập tốt nghiệp năm cuối cùng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương…

Cùng với đó là việc phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, hội chợ việc làm cho học sinh, sinh viên; kết nối giữa các cơ sở đào tạo và các đơn vị sử dụng nhân lực trên địa bàn tỉnh.

Ông Bùi Văn Linh - Giám đốc MOET - TSC phát biểu tại buổi làm việc với Trường ĐH Tây Nguyên

Hai bên cũng đã trao đổi về việc hợp tác tổ chức các lớp, khóa đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng sống, kĩ năng số, giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ và công nghệ số 4.0 cho học sinh, sinh viên, giảng viên; cử chuyên gia, nhà khoa học và giảng viên có kinh nghiệm của nhà trường tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho các địa phương, đơn vị do MOET-TSC tổ chức; phối hợp tổ chức các lớp đào tạo định hướng, đào tạo nghề, cấp chứng chỉ cho các nguồn cung ứng nhân lực và xuất khẩu lao động trong thời gian tới;

Hai bên sẽ phối hợp tuyển sinh, tổ chức các khoá bồi dưỡng, đào tạo năng cao năng lực Ngoại ngữ, tiếng Anh, chứng chỉ IELTS… cho đội ngũ giảng viên, cho sinh viên nhà trường; trên cơ sở các nội dung phối hợp giữa MOET-TSC và Hội đồng Anh, các đối tác uy tín khác tại Việt Nam…

Hai bên cũng thống nhấn tham gia tổ chức chuỗi các sự kiện ngày hội tư vấn tuyển sinh, giới thiệu việc làm, hoạt động ươm tạo tài năng, vinh danh học sinh, sinh viên tiêu biểu xuất sắc và hỗ trợ đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý các Khoa, Phòng ban. Trên cơ sở đó, thực hiện liên danh, liên kết để triển khai các hoạt động dịch vụ, chuyển giao công nghệ với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế và các hoạt động khác mà hai bên cùng quan tâm.

PGS.TS. Lê Đức Niêm - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên khẳng định: các nội dung trao đổi hôm nay rất thiết thực, sẽ hỗ trợ nhà trường trong nhiều công tác khác nhau, nhất là vấn đề tìm việc làm sau khi tốt nghiệp cho sinh viên nhà trường.

PGS.TS. Lê Đức Niêm - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên phát biểu

Với những tiềm năng và thế mạnh của mình tại khu vực, Trường Đại học Tây Nguyên sẽ cử chuyên gia, nhà khoa học và giảng viên có kinh nghiệm tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho các địa phương, đơn vị do MOET-TSC tổ chức.

Đồng thời phối hợp tổ chức các lớp đào tạo định hướng, đào tạo nghề, cấp chứng chỉ cho các nguồn cung ứng nhân lực và xuất khẩu lao động; tham gia tổ chức các sự kiện ngày hội việc làm, ươm tạo tài năng, vinh danh học sinh, sinh viên tiêu biểu xuất sắc và hỗ trợ đào tạo giáo viên.

Nhà trường cũng mong muốn MOET-TSC sẽ hỗ trợ xây dựng báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp hằng năm; việc kết nối nhóm các trường đại học có chung mã ngành đào tạo tại các vùng lân cận, để tham gia đánh giá, phản biện nội dung các chương trình đào tạo, môn học… phục vụ triển khai công tác kiểm định chương trình đào tạo, kiểm định cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Bộ GDĐT được thuận lợi, chất lượng hơn so với hiện nay.

Đoàn công tác MOET-TSC chụp ảnh lưu niệm với đạii diện Ban Giám hiệu, các phòng ban Trường ĐH Tây Nguyên 

Quan tâm đến hướng nghiệp - phân luồng, giáo dục STEM hiệu quả, chất lượng cho học sinh phổ thông

Tại buổi làm việc với Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk chiều ngày 13/01/2022, hai đơn vị thống nhất cho rằng đây là cơ hội hợp tác để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, triển khai các hoạt động hỗ trợ nhằm phát triển ngành GD-ĐT tỉnh

Hai bên đã nhất trí sẽ kí kết hợp tác, tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.

Đó là: Phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn tuyển sinh, tư vấn – giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp, hội chợ việc làm cho học sinh, sinh viên và trong các trường học; phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh (chứng chỉ IELTS…) cho học sinh, nhà giáo, cán bộ quản lý; Tổ chức các lớp, khóa đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng sống, kĩ năng số, giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và công nghệ số 4.0 cho học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh.

Phối hợp tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, các sự kiện tư vấn tuyển sinh, tư vấn du học, tư vấn hướng nghiệp - hỗ trợ phân luồng sau THCS, THPT, khởi nghiệp, giáo dục STEM, học sinh nghiên cứu khoa học, học qua dự án, kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ tài chính để ươm tạo tài năng trẻ, cấp học bổng cho HSSV khó khăn, hỗ trợ phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường học; tổ chức các cuộc thi, hội thi liên quan; tham gia trại hè hằng năm nhằm vinh danh cho học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc, đoạt giải trong các cuộc thi do Bộ GDĐT tổ chức.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết: Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp thời gian vừa qua, các hoạt động của ngành giáo dục tỉnh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, học sinh không có thiết bị học trực tuyến, không có sóng wifi.

ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk

Thời gian qua, các trường phải điều chỉnh hình thức linh hoạt để ứng phó với tình hình dịch bệnh đồng thời cũng tổ chức các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh như các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, tư vấn tuyến sinh (qua hình thức trực tuyến). Điều này cũng đặt ra vấn đề đào tạo nâng cao chất lượng giáo viên đáp ứng chuyên môn và cần nhận được sự hợp tác, giúp đỡ hiệu quả từ MOET-TSC.

Hai bên nhất trí rất cao việc các giao đầu mối chuẩn bị nội dung dự thảo chương trình phối hợp và sớm ký kết để triển khai trong các trường học tại tỉnh Đắk Lắk.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Đắc Lắc và Lãnh đạo MOET-TSC chụp ảnh lưu niệm

Nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục kỹ năng sống, tư vấn giáo dục hướng nghiệp – hỗ trợ phân luồng sau THCS, triển khai giáo dục STEM; nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh trên địa bàn thành phố Buôn Mê Thuật

Tại buổi làm việc với Phòng GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột ngày 15/01/2022, ông Bùi Văn Linh bày tỏ mong muốn sẽ tư vấn, giúp đỡ Phòng GD&ĐT trong công tác chỉ đạo triển khai hoạt động tư vấn, giáo dục kỹ năng sống, tư vấn tuyển sinh, giáo dục hướng nghiệp – hỗ trợ phân luồng sau THCS, triển khai giáo dục STEM cho học sinh theo chỉ đạo của Bộ GDĐT; mong hai bên sẽ phối hợp để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động như: giáo dục kỹ năng, nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh trên địa bàn thành phố.

Ông Bùi Văn Linh - Giám đốc MOET-TSC tại buổi làm việc với Phòng GD&ĐT Thành phố Buôn Ma Thuột

Bà Mai Thị Hồng Hà - Trưởng phòng GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột chia sẻ: Công tác tư vấn hướng nghiệp, phân luồng, đặc biệt là sau THCS là hết sức cần thiết. Việc bồi dưỡng phát triển năng lực đội ngũ nhà giáo và bộ quản lý, tăng cường năng lực công nghệ thông tin, hỗ trợ chuyển đổi số, ứng dụng các sản phẩm dịch vụ công nghệ giáo dục là những nội dung mà ngành giáo dục thành phố rất quan tâm. 

Bà Mai Thị Hồng Hà - Trưởng phòng GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột phát biểu tại buổi làm việc

Hai bên cũng nhất trí rất cao việc sớm đưa các nội dung, chương trình đào tạo số hoá về kỹ năng sống, hướng nghiệp có chất lượng tới các trường học tại Thành phố; hỗ trợ các cơ sở giáo dục làm tốt nội dung về giáo dục hướng nghiệp, phân luồng sau lớp 9 và chuẩn bị tốt kỹ năng cho các em tiếp tục học lên THPT hay phân luồng sang học nghề theo chỉ thị của Đảng… Hiện nay Thành uỷ TP Buôn Ma Thuột cũng đã có chỉ đạo cụ thể, quan tâm sâu sắc ngành Giáo dục có ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục, chuyển đổi số, số hoá các nội dung, hoạt động giáo dục… Các đồng chí hiệu trưởng các trường học tham dự buổi làm việc rất mong muốn sớm được đón nhận các nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên về hướng nghiệp, kỹ năng sống… giúp giáo dục toàn diện cho học sinh tốt hơn nữa.

Đoàn công tác MOET-TSC làm việc với Phòng GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Giáo dục quốc tế GAIA, Chi nhánh số 1 tại TP. Hồ Chí Minh trao quà cho Phòng GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột

Phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn việc làm, tuyển sinh, hướng nghiệp, chuyển đổi số trong lĩnh vực cung ứng nhân lực cho tỉnh Đắk Lắk

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, hai bên đã thống nhất sẽ xúc tiến hợp tác trong một số lĩnh vực hoạt động như: Tổ chức hỗ trợ sinh viên trong thực tập, tìm việc làm thêm, giới thiệu việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp, đưa sinh viên, nhân lực trên địa bàn tỉnh tham gia các chương trình trao đổi ở nước ngoài theo hình thức rèn luyện kỹ năng (thực tập sinh).

Ông Bùi Văn Linh - Giám đốc MOET-TSC làm việc với Sở LĐTB&XH tỉnh Đắc Lắk

Hai bên cũng thống nhất phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, hội chợ việc làm cho học sinh, sinh viên hiệu quả hơn; kết nối giữa các cơ sở đào tạo và các đơn vị sử dụng nhân lực; thực hiện các hợp đồng cung ứng chuyên gia, nhân lực trình độ cao cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, xúc tiến tạo nguồn xuất khẩu nhân lực; tham gia hoạt động liên quan đến chuỗi hoạt động đào tạo, cung ứng nhân lực kỹ sư CNTT, bồi dưỡng, bổ sung các kiến thức kỹ năng phù hợp với thị trường lao động.

Ngoài ra hai bên sẽ phối hợp tổ chức các lớp đào tạo định hướng, đào tạo nghề, cấp chứng chỉ cho các nguồn cung ứng nhân lực và xuất khẩu lao động sau khi sinh viên tốt nghiệp; Triển khai nghiên cứu, đánh giá, khảo sát về tình hình việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, thị trường lao động, nhân lực, hướng nghiệp, xu hướng ngành nghề đào tạo, báo cáo đánh giá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hai bên đánh giá thống nhất cao việc tổ chức hoạt động đào tạo, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm bằng tiếng Anh cho các giáo viên nước ngoài, muốn làm việc, dạy học, dạy tiếng Anh tại tỉnh, để nâng cao chất lượng giờ dạy, bảo đảm quyền lợi cho người học và thự hiện đúng quy định về chương trình-nội dung dạy học, văn hoá Việt Nam…

Ông Nguyễn Quang Thuân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết: Toàn tỉnh hiện có 34 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó, có 6 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 24 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Thuân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk

Theo thống kê, với hơn 1,1 triệu lao động, trong đó xấp xỉ 64% thuộc lĩnh vực Nông-Lâm - Thủy sản, 21% ở khu vực đô thị, đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58%, trong đó tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ 18.88%, tỷ lệ sau đào tạo, ít nhất 85% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng với điều kiện chuyển đổi số, cần triển khai các hoạt động tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý, ứng dụng công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngay khi sinh viên đang học tại các trường đại học nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo cho nhân sự của hệ thống doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Vấn đề giải quyết bài toán quản lý việc làm và báo cáo thống kê tình hình việc làm tại Tỉnh, việc giới thiệu việc làm cho SVTN, cho người lao động… theo hình thức online, chuyển đổi số… cũng là nội dung Sở LĐTBXH rất quan tâm mong muốn MOET-TSC hỗ trợ tới đây.

Đại diện Lãnh đạo MOET-TSC và đại diện Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk 

Hỗ trợ kết nối triển khai chuyển đổi số, kinh tế số cho các doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk

Tại buổi làm việc với lãnh đạo của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk, hai bên đã trao đổi về và cam kết sẽ cùng lựa chọn những nội dung cụ thể, thiết thực nhất để đưa vào nội dung kí kết thỏa thuận hợp tác và triển khai.

Ông Lương Văn Minh - Phó Chủ tịch Thường trục Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk cho biết: Toàn tỉnh hiện có trên 10.000 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ. Một số doanh nghiệp thành lập mang tính hình thức, một số chỉ có bộ khung nên việc tuyển dụng và sử dụng lao động rất thấp. Hầu hết chủ các doanh nghiệp hoạt động theo năng lực thực tế và kinh nghiệm; năng lực ứng ứng và các phần mềm CNTT quản lý hoạt động, đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp chưa cao…

Ông Lương Văn Minh - Phó Chủ tịch Thường trục Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk 

Mặc dù Đắk Lắk có vị trí chiến lược về mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng nhưng để thu hút doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài là rất khó, vì khó khăn về đường xá, cơ sở hạ tầng... đặc biệt là nguồn nhân lực hiện chưa đáp ứng yêu cầu phát triển cho Tỉnh. Hiện nay nhân lực lao động tại Tỉnh chủ yếu do Trường Đại học Tây Nguyên đào tạo ra; các cơ quan, doanh nghiệp không tuyển được sinh viên giỏi từ Thành phố Hồ Chí Minh về làm việc…; Sàn kết nối sinh viên và doanh nghiệp chưa được triển khai trên địa bàn tỉnh, vấn đề đào tạo lại hiện cũng còn rất hạn chế . Do đó, việc triển khai xây dựng để án về nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh là rất cần thiết và Hiệp hội mong muốn sẽ nhận được sự giúp đỡ của MOET-TSC để thực hiện đề án này.

Hiệp hội Doanh nghiệp mới thành lập Trung tâm Kết nối – Đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp của Tỉnh thực hiện tốt hơn yêu cầu đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số; nhằm hội nhập tốt và hợp tác tốt các doanh nghiệp lớn khác trong nước và quốc tế, để cùng nhau phát triển tốt hơn. Việc giới thiệu các phần mềm quản lý hiện đại hệ thống các doanh nghiệp, nguồn nhân lực cũng sẽ giúp Hiệp hội làm tốt hơn vai trò tạo môi trường kinh doanh, quản lý các doanh nghiệp tốt hơn…

GĐ. Bùi Văn Linh phát biểu tại buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk 

Lãnh đạo MET-TSC và Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk chụp ảnh lưu niệm

Có thể nói, việc lãnh đạo MOET-TSC kết nối, gặp gỡ, thảo luận với nhiều nội dung phong phú, thiết thực với lãnh đạo của Sở GDĐT, Sở LĐTBXH, Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh, Trường Đại học Tây Nguyên, Phòng GDĐT TP Buôn Ma Thuột… của tỉnh Đắk Lắk, đã giúp từng bước hình thành việc đưa ra các mô hình chính để phát huy các thành tố trong hệ sinh thái ở địa phương chung tay giải quyết tốt mối quan hệ mật thiết giữa các đơn vị khối quản lý nhà nước về giáo duc, việc làm với các cơ sở đào tạo, các hiệp hội doanh nghiệp nơi sử dụng chính nguồn sinh viên tốt nghiệp… Từ đó việc kỹ năng của HSSV, SVTN, nguồn nhân lực tại chỗ được nâng cao hơn; nhiều giải pháp để tổ chức khâu tuyển dụng SVTN ra trường hằng năm tốt hơn; kết nối giới thiệu nhằm điều chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao từ nguồn SVTN từ các trường đại học tại TP Hồ Chí Minh về làm việc tại Đắk Lắk; kết nối các đơn vị công nghệ Edutech… để hỗ trợ công tác giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp, phân luồng, kỹ năng nghề nghiệp cho SV tốt hơn.. Từ đó dự nguồn cho cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao hơn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh Đắk Lăk, đúng như tinh thần Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên".


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Các thông tin khác:
Tin mới nhất