Đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu doanh nghiệp

Ngày 28/4/2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tọa đàm công tác đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu doanh nghiệp. Hội nghị nhằm đánh giá về công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, từ đó đề ra các giải pháp về giải quyết việc làm, tổ chức đào tạo nghề cho người lao động trong thời gian tới đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.


Gắn đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp

Chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Quang Thuân - Phó Giám đốc Sở; đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành trong tỉnh: Ban quản lý các khu công nghiệp, Hội nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội doanh nhân trẻ, Trung tâm dịch vụ việc làm; cùng lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tham gia hoạt động dịch vụ việc làm, doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Hội nghị còn có sự tham dự của ông Bùi Văn Linh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ GD&ĐT.

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết: Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có 1.101.659 người trong độ tuổi lao động. trong đó thành thị chiếm 22,74%, nông thôn chiếm 77,26%. Số người trong độ tuổi lao động tham gia các hoạt động kinh tế là 1.079.722 người. Tỉ lệ lao động qua đào tạo chiếm 60,5%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 20%.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 11.058 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 10.146 doanh nghiệp và 912 chi nhánh của các doanh nghiệp tỉnh ngoài. Ngoài ra còn có gần 500 hợp tác xã đang hoạt động sản xuất kinh doanh, với số lao động làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp là hơn 100.000 người. Tỉnh có 7 đơn vị tư vấn giới thiệu việc làm được cấp phép.

Tỉnh có 34 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 5 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 23 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 2 cơ sở khác với các nhóm ngành nghề đào tạo chủ yếu là máy tính và CNTT, công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ kĩ thuật điện, điện tử và viễn thông, kĩ thuật cơ khí và cơ kĩ thuật, kĩ thuật điện, điện tử và viễn thông, xây dựng, nông nghiệp, thú y, dược học, điều dưỡng, hộ sinh, khách sạn, nhà hàng.

Từ tháng 4/2021 đến cuối tháng 10/2021, do tình hình dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Phần lớn các doanh  nghiệp đơn vị đã phải dừng hoạt động hoặc thu nhỏ quy mô hoạt động, số lao động bị ngừng việc làm tăng lên.

Thống kê có khoảng 150.000 người từ các tỉnh phía Nam trở về Đắk Lắk do ảnh hưởng của dịch, trong đó số người trong độ tuổi lao động là gần 148.000 người. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp các ngành tập trung đón nhận người lao động từ vùng dịch trở về và ổn định đời sống cho người lao động.

Trong năm 2021, công tác tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động và việc đào tạo nghề đã gặp rất nhiều khó khăn. Số lao động tìm được việc làm chủ yếu giới thiệu làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Số lượng HSSV tuyển sinh mới có xu hướng sụt giảm. Tỉ lệ học sinh bỏ học cao do nhiều nguyên nhân đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động trong thời gian qua, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trong thời gian tới. Các đại biểu đều chung nhận định cần tăng cường các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời gắn đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp.

Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Tham luận tại Hội nghị, ông Bùi Văn Linh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ GD&ĐT (Trung tâm MOET-TSC) cho biết: Ngành GD-ĐT và LĐ-TB&XH có mối quan hệ hữu cơ mật thiết cùng nhau đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển KT-XH, trong đó có những vấn đề về việc làm, tuyển dụng, chế độ chính sách liên quan.

Với vị trí là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ GD&ĐT, Trung tâm MOET-TSC có chức năng nghiên cứu, dự báo phát triển nguồn nhân lực có trình độ đại học trở lên, nhân lực ngành sư phạm; hỗ trợ đào tạo các kỹ năng nhằm nâng cao chất lượng nhân lực; định hướng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên; cung ứng nhân lực có trình độ đại học trở lên và nhân lực ngành sư phạm cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; thực hiện công tác truyền thông về tuyển sinh, hướng nghiệp, việc làm, đào tạo, sử dụng nhân lực và cung ứng nhân lực…

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm MOET-TSC đã kết nối với nhiều cơ quan, đơn vị trong ngành Giáo dục và một số tập đoàn, doanh nghiệp để thống nhất hợp tác triển khai các nhiệm vụ nêu trên ngày càng hiệu quả. Trong tháng 02/2022 vừa qua, Trung tâm đã tổ chức lễ ký kết hợp tác với các đơn vị của tỉnh gồm Sở LĐ-TB&XH, Sở GD&ĐT, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Trường Đại học Tây Nguyên, Phòng GD&ĐT Thành phố Buôn Ma Thuột.

Đây là một trong những hoạt động quan trọng trong việc xây dựng mô hình phối hợp liên ngành, khai thác đồng bộ thế mạnh của các lĩnh vực công tác, phát huy thế mạnh, tiềm năng của các bên trong lĩnh vực quan tâm, cùng hướng đến mục tiêu nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, hội nhập quốc tế cho HSSV tỉnh, giải quyết tốt việc làm cho SVTN và thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, cải cách hành chính trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Các Chương trình phối hợp có những hoạt động thiết thực để đặt nền móng việc xây dựng hệ sinh thái dự nguồn để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao hơn để phục vụ phát triển KT - XH của tỉnh Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên; cụ thể hoá Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên".

Để các doanh nghiệp của tỉnh và tỉnh phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, Trung tâm MOET-TSC đề xuất các Sở, Ban, ngành trong tỉnh chuẩn bị xây dựng và hình thành nguồn nhân lực chất lượng, đủ mạnh để triển  khai các nhiệm vụ, hoạt động.  Cụ thể, cần tăng cường công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng, tư vấn tuyển sinh, việc làm, tăng cường việc sử dụng nguồn nhân lực từ sinh viên tốt nghiệp các trường đại học trên địa bàn tỉnh, vùng lân cận.

Thống kê nhu cầu, cơ cấu nguồn nhân lực từ các doanh nghiệp để Trung tâm MOET-TSC kết nối, điều phối nguồn nhân lực chất lượng cao hiện dư từ TP Hồ Chí Minh về công tác. Tăng cường xuất khẩu lao động ra các nước để nâng cao kỹ năng tay nghề - trình độ chuyên môn, ý thức làm việc, sau này bổ sung cho nguồn nhân lực tại địa phương.

Quang cảnh Hội nghị

Ông Bùi Văn Linh - Giám đốc Trung tâm MOET-TSC phát biểu tại Hội nghị


No comments yet. Be the first.

Others:
Tin mới nhất