Hội thảo khoa học Mô hình dự báo nhu cầu đào tạo trình độ đại học nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Việt nam.

Trong khuôn khổ thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ Nghiên cứu dự báo nhu cầu đào tạo trình độ đại học nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 (Mã số B2018-TĐC-01), ngày 24/10/2019, Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo khoa học Mô hình dự báo nhu cầu đào tạo trình độ đại học nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Việt nam.


Trong những năm gần đây, cụm từ "cách mạng công nghiệp 4.0" đề cập tới cuộc cách mạng lần thứ tư trong tiến trình lịch sử đã khá quen thuộc trong đời sống xã hội bởi cuộc cách mạng này đã tác động một cách mạnh mẽ đến mọi phương diện của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội loài người.

CMCN 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cung - cầu trong thị trường lao động, bởi lẽ CMCN 4.0 sẽ tiến tới loại bỏ những công việc phổ thông hoặc mang tính chất lặp đi lặp lại, thay thế toàn bộ bằng máy móc. Đồng thời, nhu cầu về nguồn lao động có tay nghề cao, tư duy sáng tạo, thực hiện những công việc phức tạp, làm chủ máy móc lại tăng lên. Chính vì vậy để tránh tình trạng thất nghiệp, dư thừa lao động hoặc lao động không đáp ứng được yêu cầu thay đổi của xã hội, các nước trên thế giới đang có những chính sách, hoạch định trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho nền công nghiệp mới và đồng thời tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin, nhiều trường đại học trên thế giới đã và đang thay đổi cơ cấu ngành nghề đào tạo để sinh viên tốt nghiệp đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới của thế giới. Hệ thống các cơ sở đào tạo sẽ bị tác động mạnh mẽ và toàn diện, danh mục ngành nghề đào tạo sẽ phải điểu chỉnh, cập nhật liên tục vì các ranh giới giữa các lĩnh vực rất mỏng manh.

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đưa ra 8 nhóm chính sách cơ bản. Đặc biệt, nhóm 5 Chính sách phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhóm chính sách tập trung vào vấn đề hỗ trợ, thúc đẩy giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay.

Hội thảo là một trong chuỗi hoạt động tìm hiểu, nghiên cứu thực hiện Đề tài KHCN cấp Bộ "Nghiên cứu dự báo nhu cầu đào tạo trình độ đại học nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0" nhằm đạt một số mục tiêu chủ yếu:

  1. Phân tích, đánh giá tác động của CMCN 4.0 đến thị trường lao động và nền kinh tế;
  2. Đánh giá tác động của CMCN 4.0 tới nhu cầu nhân lực tại Việt Nam, đặc biệt là nhân lực trình độ đại học nhóm ngành Kỹ thuật- Công nghệ;
  3. Xây dựng được cơ sở lí luận về xác định nhu cầu đào tạo trình độ đại học (số lượng, năng lực tối thiểu cần đạt,…) nhóm ngành Kỹ thuật- Công nghệ trong bối cảnh CMCN 4.0;
  4. Dự báo nhu cầu đào tạo trình độ đại học nhóm ngành Kỹ thuật- Công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, các giảng viên của một số trường đại học đã tập trung trao đổi, bàn luận, chia sẻ lý luận và thực tiễn về mô hình dự báo nhu cầu đào tạo, thị trường lao động nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ trong nước và một số nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Hà Lan, Hàn Quốc. Một số vấn đề được các đại biểu nêu lên và trao đổi sôi nổi như: Dự báo là một vấn đề rất khó bởi thị trường lao động của Việt Nam biến động mạnh mẽ và rất phức tạp, chưa xác định rõ quy luật của nó; nhiều vị trí việc làm cũng chưa xác định rõ, chưa định hình cụ thể; đào tạo và sử dụng nhân lực là hai vấn đề luôn có dung sai, không bao giờ trùng khớp...

Các nhà nghiên cứu đã trình bày một số phát hiện mới trong quá trình nghiên cứu, đưa ra một số giải pháp, những khuyến nghị về công tác dự báo, xu hướng phát triển ngành nghề, đặc biệt là nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, khuyến nghị về vấn đề khung năng lực đầu ra của sinh viên tốt nghiệp đại học, về việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, thái độ của sinh viên chứ không chỉ quá tập trung vào đào tạo kiến thức cho học sinh, sinh viên.

                                            Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực

 


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Tin mới nhất