Hội nghị tự chủ đại học năm 2022: Cuộc cách mạng toàn diện

Hôm này (4/8), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tự chủ đại học 2022 tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.


Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có hơn 900 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; đại diện các hiệp hội, các tổ chức quốc tế; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng đại học/Chủ tịch Hội đồng trường, Giám đốc/Hiệu trưởng, lãnh đạo bộ phận tổ chức nhân sự của các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả đã đạt được trong triển khai tự chủ đại học, thẳng thắn nhìn nhận khó khăn, vướng mắc, xác định những nguyên nhân trọng yếu, từ đó định hướng lộ trình cùng những việc cần làm trong thời gian tới.

Hội nghị diễn ra trong 1 ngày với các nội dung: Báo cáo của Bộ GD&ĐT về kết quả thực hiện tự chủ đại học; 3 phiên thảo luận với hơn 20 tham luận thuộc 3 chủ đề: Chiến lược phát triển và hội nhập quốc tế, Đổi mới quản trị đại học và quản lý nhà nước và Nguồn lực cho phát triển giáo dục đại học; trao đổi, giải đáp các vấn đề còn vướng mắc, khó khăn trong thực hiện tự chủ đại học…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay: "Trường đại học hoạt động với tính tự chủ tự chịu trách nhiệm cao là mô hình và cơ chế phổ biến trên khắp thế giới, điều này đã từng tồn tại lâu dài và sự ưu việt của nó đã được khẳng định trong thực tế hoạt động giáo dục bậc cao của nhân loại. Ở Việt Nam, quá trình thực hiện tự chủ đại học là một phần của quá trình đổi mới và hiện đại hoá, quốc tế hoá giáo dục đại học, là một khâu trong sự chuyển đổi mô hình giáo dục đại học thời kỳ bao cấp và kế hoạch hoá sang thời kỳ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Việc thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam diễn ra dưới sự chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt thông qua các chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong 3 thập niên vừa qua và đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực. Tự chủ đại học như một cuộc cách mạng để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học. Theo định hướng đổi mới đó, giáo dục đại học đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đặc biệt trong mấy năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, nhiều cơ sở GDĐH đã và đang chuyển đổi dần cơ chế, từng bước thực hiện các quyền chủ động của mình và nhờ đó, các cơ sở GDĐH đã năng động hơn, năng lực cạnh tranh tốt hơn, cả hệ thống đại học đã có những chuyển biến mạnh mẽ cả nhận thức và hành động, cả lý luận và thực tiễn. Có thể nói, một luồng sinh khí mạnh mẽ đã xuất hiện từ bên trong của hệ thống và thúc đẩy các đại học phát triển. Giá trị và phương diện tích cực của tự chủ đại học là rõ ràng, là hiển nhiên và không thể phủ định được.

Hội nghị tự chủ đại học năm 2022: Cuộc cách mạng toàn diện - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị.

Tự chủ đại học là một cơ chế mới, phức tạp cần đồng bộ của nhiều yếu tố, nhiều khâu, nhiều hoạt động, vì vậy trong quá trình triển khai, thời gian qua vẫn có những vướng mắc, còn bộc lộ những hạn chế, khó khăn và đó cũng là điều khó tránh khỏi. Có những vướng mắc do hệ thống các văn bản quy định pháp luật làm nền tảng cho việc triển khai còn có những điểm chồng chéo, thiếu đồng bộ và nhất quán. Khó khăn vướng víu do những thói quen cũ, cách nghĩ cũ, tư duy cũ. Vướng mắc do sự chia sẻ và đón nhận từ xã hội có chuyển biến chưa đồng bộ và tương thích. Có cả những ngộ nhận về các quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan tới tự chủ…; có những trục trặc phát sinh trong quá trình chuyển đổi hệ thống và chuyển đổi của các đơn vị, các thành tố. Và cả những vấn đề nảy sinh từ các điều kiện để thực hiện tự chủ trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế xã hội của Việt Nam trong hơn 30 năm qua".

Bộ trưởng Nguyễn KIm Sơn nhấn mạnh: "Hội nghị là dịp để chúng ta cùng đề xuất các giải pháp nhằm phát huy các yếu tố tích cực, các kết quả tốt đã đạt được; chỉ ra các nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế trong thực hiện tự chủ đại học; và đặc biệt là chúng ta cùng xác định các vấn đề, các yêu cầu, các công việc cần làm tiếp trong thời gian sắp tới, những việc mà các cơ sở giáo dục đại học, các bộ ngành, các địa phương với trách nhiệm của mình cần thiết phải triển khai".

Đột phá chiến lược

Được kỳ vọng sẽ tạo nên cuộc cách mạng toàn diện cho giáo dục đại học (GDĐH); đến nay, tự chủ đại học đã đạt một số kết quả đáng khích lệ, tạo bước chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn công tác tổ chức thực hiện. Chuyển biến này xuất phát từ đòi hỏi khách quan, xu thế phát triển của GDĐH trên thế giới và được thúc đẩy bởi chủ trương, đường lối và chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.

Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước đã thể hiện quyết tâm trong đẩy mạnh tự chủ; tiến hành xây dựng hệ thống văn bản triển khai tự chủ theo tinh thần của Luật số 34/2018/QH14; xây dựng được một số mô hình tự chủ hiệu quả, tạo tiền đề để triển khai sâu, rộng trên toàn hệ thống.

Vai trò lãnh đạo của Đảng từ khi thực hiện tự chủ ngày càng tăng thêm. Đảng ủy nhà trường giữ vai trò lãnh đạo toàn diện, mọi mặt, đặc biệt là về mặt nguyên tắc. Kết quả khảo sát các Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Hội đồng trường (HĐT) do Bộ GD&ĐT thực hiện cho thấy, trên 80% tán thành với chủ trương, chính sách tự chủ cho thấy vai trò lãnh đạo của Đảng ủy trường được nâng cao.

Từ năm 2003 đến 2018, vai trò và thực quyền của HĐT đã được Quốc hội quy định cụ thể tại Luật số 34. Đây là bước đi quan trọng để các cơ sở GDĐH công lập thực hiện quyền tự chủ về công tác tổ chức bộ máy.

Theo kết quả khảo sát, trên 80% các trường trả lời khảo sát triển khai tự chủ toàn diện, sâu rộng về tuyển sinh và đào tạo dẫn đến các kết quả đạt được tích cực (trên 85%). Trên 65% các trường trả lời khảo sát triển khai tự chủ toàn diện, sâu rộng về hoạt động khoa học và công nghệ, các kết quả đạt được tích cực (trên 80%).

Hội nghị tự chủ đại học năm 2022: Cuộc cách mạng toàn diện - Ảnh 2.

Các đại biểu dự Hội nghị

Các cơ sở GDĐH tự chủ đã chủ động rà soát, kiện toàn lại tổ chức bộ máy và nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tự chủ đại học cũng giúp các cơ sở GDĐH đẩy mạnh quá trình xã hội hóa giáo dục, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng đầy đủ hơn điều kiện giảng dạy và nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng.

Trách nhiệm giải trình đã đẩy mạnh việc quy định các cơ sở GDĐH phải thực hiện công khai, minh bạch; hệ thống cơ sở dữ liệu GDĐH để cơ quan quản lý nhà nước giám sát cũng đang được triển khai; một quy chế riêng về thực hiện trách nhiệm giải trình thay thế cho Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT cũng đang được triển khai để đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu.

Khơi thông nguồn lực

Ngày 24/10/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở GD ĐH công lập giai đoạn 2014 - 2017. Triển khai Nghị quyết này, hệ thống GDĐH đã có bước tiến dài về lực, các nguồn lực được khơi thông và năng lực của cơ sở đào tạo được phát huy tối đa. Hiện nay, đã có 142/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật GDĐH (được sửa đổi, bổ sung năm 2018).

Về nhân lực, từ thời điểm được giao thí điểm tự chủ, các trường đã từng bước hình thành cơ cấu nhân lực phù hợp. Các trường có chính sách cạnh tranh, thu hút giảng viên giỏi chuyên môn và khả năng nghiên cứu khoa học. Tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ ngày một tăng, từ 25% năm 2018 lên trên 31% năm 2021.

Hội nghị tự chủ đại học năm 2022: Cuộc cách mạng toàn diện - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nêu báo cáo tại Hội nghị.

Về tài chính, đến thời điểm hiện tại 32.76% trường đại học tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1); 13.79% trường tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2).

Về nâng cao năng lực tài chính của cơ sở, từ năm 2018 đến năm 2021, tổng thu của các cơ sở GDĐH tự chủ đa phần tăng lên, tổng thu ngoài ngân sách Nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng; thu nhập bình quân tăng 20,8% đối với giảng viên và 18,7% đối với cán bộ quản lý. Giảng viên thu nhập trên 200 triệu/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%; thu nhập trên 300 triệu trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97% sau 3 năm thực hiện tự chủ.

Tự chủ đại học tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh; thúc đẩy các trường đầu tư vào điều kiện bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo để cạnh tranh trong tuyển sinh, thu hút sinh viên giỏi; hướng tới thực chất và phát triển bền vững.

Số liệu thống kê cho thấy, quy mô tuyển sinh sinh viên hệ đại trà có xu hướng giảm, tăng quy mô tuyển sinh các chương trình đào tạo tiên tiến, đào tạo chất lượng cao, liên kết đào tạo với nước ngoài và đào tạo bằng tiếng Anh. Đổi mới thi và tuyển sinh trung thực, khách quan nhưng nhẹ nhàng, giảm áp lực, tốn kém; từ năm 2019-2021, các trường có nhiều phương thức để tuyển sinh.

Về khoa học và công nghệ (KHCN), số lượng bài báo quốc tế trong danh mục Web of Science (WoS) tăng thêm 3,5 lần sau 4 năm; số bài báo trong danh mục SCOPUS của các cơ sở GDĐH tăng thêm hơn 4 lần. Sản phẩm của các đề tài, dự án, chương trình KHCN cấp Bộ của các đơn vị trực thuộc Bộ đã tăng đáng kể trong các năm qua, trung bình 25%/năm.

Một số cơ sở GDĐH đã gặt hái được thành công thông qua kết quả về xếp hạng đại học ở các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới. Năm 2022, Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) công bố Bảng xếp hạng các trường ĐH theo lĩnh vực. Ở lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ, Việt Nam có 5 đại học được xếp hạng cao trong tốp 500 thế giới, ở lĩnh vực Kinh doanh và kinh tế theo Bảng xếp hạng Times Higher Education, Việt Nam có hai đại diện; lĩnh vực Khoa học Xã hội, Việt Nam có 3 đại diện.

Thay đổi trong nhận thức, tư duy và hành động

Mọi sự đổi mới, mọi cuộc cách mạng đều không thể tránh khỏi những trở ngại, vướng mắc. Với tự chủ đại học, đó là sự thiếu đồng bộ giữa các Luật, hạn chế về phương thức quản lý của cơ quan cấp trên; là nguồn kinh phí hạn hẹp, ngân sách cấp chưa tương xứng với chủ trương của Đảng và Nhà nước về ưu tiên đầu tư cho giáo dục; là hạn chế về chính sách tự chủ về quản lý tài sản công, quản lý đầu tư công và khai thác, sử dụng các nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước.

Hội nghị tự chủ đại học năm 2022: Cuộc cách mạng toàn diện - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

Đó còn là những vướng mắc về hành lang pháp lý, khó khăn cho việc triển khai KHCN tại đơn vị cũng như sự lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu của cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu; những hạn chế của hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài; hạn chế về phân cấp, phân quyền và thực hiện quy chế dân chủ của các trường. Đặc biệt là hạn chế về nhận thức, từ nhận thức vai trò, vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của HĐT đến nhận thức và năng lực của cán bộ…

Thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức, tư duy và hành động tự chủ đại học được kỳ vọng sẽ dẫn dắt hành trình bứt phá của GDĐH. Trong 5 năm tới, giai đoạn 2022 - 2026, định hướng trọng tâm là đẩy mạnh nhận thức, quan điểm về tự chủ đại học theo đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn của Đảng và Nhà nước.

Trong đó, thống nhất và làm sâu sắc hơn quan điểm, nhận thức về tự chủ đại học, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đổi mới phương thức quản lý nhà nước và xây dựng môi trường thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh để thực hiện tự chủ đại học toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân trách nhiệm tới các cơ sở GDĐH; làm rõ và sâu sắc hơn vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý trực tiếp và chính quyền địa phương đối với phát triển hệ thống GDĐH và quản lý các cơ sở GDĐH. Hoàn thiện quy hoạch và triển khai các giải pháp thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDĐH. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với GDĐH.

Rà soát, hoàn thiện chiến lược phát triển và hệ thống quản trị chiến lược, hệ thống văn bản, quy chế và quy định quản trị nội bộ; làm rõ và sâu sắc hơn vai trò, vị trí, quyền hạn và trách nhiệm của hội đồng trường/hội đồng đại học, chủ tịch hội đồng trường/hội đồng đại học trong hệ thống quản trị nhà trường. Tiếp tục triển khai Khung trình độ quốc gia, xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo các ngành, lĩnh vực cho các trình độ của GDĐH.

Hoàn thiện và triển khai các cơ chế, chính sách đầu tư, chi ngân sách của Nhà nước đối với GDĐH theo chủ trương, nghị quyết của Đảng và quy định tại Luật Giáo dục đại học (được sửa đổi, bổ sung năm 2018), để GDĐH thực sự trở thành động lực then chốt và thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi, tăng cường huy động, khai thác các nguồn lực tài chính từ xã hội cho GDĐH; thực hiện lộ trình nâng mức độ tự chủ tài chính của các cơ sở GDĐH đồng thời mở rộng triển khai cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ. Tiếp tục triển khai tốt các đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồng thời khai thác, huy động các nguồn lực khác để đào tạo, bồi dưỡng, tăng quy mô và chất lượng đội ngũ giảng viên.

Trong giai đoạn tới, cần khẳng định việc tiếp tục đầu tư tài chính từ ngân sách (thông qua chế độ chi đầu tư theo Luật ngân sách Nhà nước hoặc giao vốn theo Luật quản lý và sử dụng vốn Nhà nước), chi đầu tư từ các bộ, ngành cho lĩnh vực GDĐH mà bộ, ngành quản lý… để tự chủ không đồng nghĩa với cắt toàn bộ đầu tư nhà nước như giai đoạn thí điểm và cách hiểu của một số cá nhân.

Các cơ sở GDĐH trong giai đoạn hiện nay rất cần Nhà nước tiếp tục đầu tư công thông qua các chương trình, dự án để bảo đảm nguồn lực phát triển bền vững, thực hiện tự chủ đại học thành công.

Theo: https://vtv.vn/


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Các thông tin khác:
Tin mới nhất