Thúc đẩy nhiệm vụ xây dựng chương trình bồi dưỡng và phát triển hệ sinh thái giáo dục STEM trong các cơ sở giáo dục


Ngày 25/01/2022 tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực có buổi làm việc với Học viện sáng tạo S3 bàn về định hướng hợp tác xây dựng các chương trình, phát triển hệ sinh thái giáo dục STEM nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tạo khoa học – công nghệ - kỹ thuật trong cơ sở giáo dục; khơi nguồn niềm đam mê, sáng tạo, nghiên cứu cho học sinh

Dự buổi làm việc có ông Bùi Văn Linh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Trung tâm MOET-TSC), ông Đặng Văn Sơn - Giám đốc Học viện Sáng tạo S3 và đại diện các phòng/ban chức năng của hai đơn vị.

Phát biểu tại buổi làm việc, Tiến sỹ Đặng Văn Sơn - Giám đốc Học viện Sáng tạo S3 cho biết: Học viện Sáng tạo S3 là nhà tiên phong phát triển giáo dục STEM tại Việt Nam từ năm 2014, không chỉ chú trọng vào các khóa học dành cho học sinh hay giáo viên mà còn tập trung xây dựng và phát triển hệ sinh thái giáo dục STEM hoàn thiện tại Việt Nam.

Với phương thức đào tạo của Học viện Sáng tạo S3 là Học ảo, thực hành thật, giúp người học có trải nghiệm thật khi học trực tuyến. Học viện Sáng tạo S3 phát triển các bộ học liệu được thiết kế đơn giản, sáng tạo, dễ sử dụng đi kèm với chương trình học trực tuyến miễn phí.

Chương trình của Học viện mang tính đa dạng phục vụ mọi đối tượng bao gồm: Đào tạo giáo viên dạy STEM, Câu lạc bộ STEM của học sinh, Chương trình STEM buổi 2, Chương trình trải nghiệm STEM tại các công ty, trường đại học, viện nghiên cứu, bảo tàng...

Với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học, kĩ thuật, công nghệ và toán (STEM), tại các nước phát triển giáo dục STEM đã được triển khai trong nhiều năm nay như là một con đường, giải pháp tốt để đạt được mục tiêu thu hút và phát triển nguồn nhân lực STEM.

Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Bùi Văn Linh - Giám đốc Trung tâm MOET-TSC thông tin: Trong những năm qua, trước yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8; Bộ GD&ĐT đã tích cực chỉ đạo triển khai giáo dục STEM trong trường học.

Trước và trong quá trình triển khai thí điểm giáo dục STEM tại các trường trung học, Bộ GD&ĐT đã tổ chức một số hội thảo, tập huấn cán bộ quản lí, giáo viên cốt cán về giáo dục STEM như: Hội thảo quốc tế "Giáo dục STEM trong Chương trình giáo dục phổ thông của một số nước và vận dụng và điều kiện Việt Nam", Tập huấn giáo viên cốt cán các trường thí điểm giáo dục STEM năm học 2016-2017, Tập huấn tại Vương quốc Anh về mô hình giáo dục STEM trong trường phổ thông cho cán bộ quản lí, giáo viên cốt cán tại các trường tham gia thí điểm; Hội thảo "Kinh nghiệm quốc tế về giáo dục STEM và những vấn đề đặt ra với Việt Nam"...

Bộ GD&ĐT cũng đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; trong đó có nội dung "thúc đẩy triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức thí điểm tại một số trường phổ thông ngay từ năm học 2017-2018"; bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã giao Ban Quản lý chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2 trực tiếp tham gia Đề án thí điểm tại 15 tỉnh, thành phố với 60 trường để thực hiện mô hình này. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã quán triệt tinh thần giáo dục STEM trong tất cả các môn học và hoạt động giáo dục. Bộ cũng đã tổ chức nhiều hoạt động toạ đàm, hội thảo quan trọng nhằm quán triệt các Sở GD&ĐT, các trường học triển khai các giải pháp thúc đẩy công tác giáo dục STEM cho học sinh…

Năm 2018, Bộ GDĐT đã ban hành Kế hoạch số 1223/KH-BGDĐT về triển khai Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025"; trong đó có nội dung: hỗ trợ kinh phí hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp, giáo dục STEM tại một số trường trung học triển khai điểm đại diện cho các vùng kinh tế… Từ phong trào học sinh nghiên cứu khoa học, cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học đã được tổ chức hàng năm, góp phần quan trọng vào thực hiện giáo dục STEM trong các nhà trường.

Giáo dục STEM được tổ chức trong các trường phổ thông tập trung qua các hình thức: dạy học tích hợp theo định hướng giáo dục STEM; sinh hoạt câu lạc bộ STEM; các cuộc thi, hoạt động trải nghiệm sáng tạo; phối hợp tổ chức hoạt động STEM giữa nhà trường và tổ chức tư nhân; các sự kiện STEM, ngày hội STEM. Gần đây nhất, Bộ đã ban hành Công văn số 3089/BGDĐT-GDTrH  ngày 14/8/2020 về việc triển khai thực hiện giáo dục STEM trong giáo dục trung học.

Tuy nhiên việc tổ chức hoạt động giáo dục STEM còn có những tồn tại, khó khăn, thách thức như: giáo dục STEM vẫn còn xa lạ với không chỉ học sinh, phụ huynh; mà cả với cán bộ, giáo viên tại nhiều trường học; các chương trình đào tạo STEM cụ thể cho các nhóm học sinh còn hạn chế, đội ngũ chuyên gia có hiểu biết về STEM chưa có các hoạt động thiết thực tại trường học; cơ chế chính sách để tổ chức bài bản, bền vững giáo dục STEM vào trường học còn có khoảng trống…

Để làm tốt nội dung này tới đây, tại Hội thảo "Giáo dục STEM trong giáo dục trung học" ngày 19/6/2020 tại Đà Nẵng do Bộ GDĐT tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã có chỉ đạo : Trước hết cần nâng cao nhận thức về giáo dục STEM đối với CBQL GD, giáo viên, học sinh và phụ huynh…; tổ chức xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hiện giáo dục STEM; xây dựng tài liệu tập huấn, tổ chức tốt khâu bồi dưỡng, tập huấn giáo viên. Các trường phổ thông cần phối hợp với cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục khác để thúc đẩy và thực hiện giáo dục STEM hiệu quả. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên phục vụ giáo dục STEM; lựa chọn quận, huyện, trường tham gia thí điểm giáo dục STEM, từng bước nhân rộng các mô hình hay…

Chính vì đó, việc hợp tác trong thời gian tới giữa Trung tâm MOET-TSC với Học viện Sáng tạo S3 nhằm xây dựng mối quan hệ đối tác, hợp tác lâu dài trong lĩnh vực giáo dục STEM, đổi mới sáng tạo, ươm tạo khởi nghiệp. Trên cơ sở các giải pháp mà Bộ GD&ĐT chỉ đạo, hai bên sẽ từng bước xây dựng và phát triển Hệ sinh thái giáo dục STEM tại các cơ sở giáo dục của Việt Nam.

Mong muốn tăng cường hợp tác giữa hai đơn vị nhằm Xây dựng và phát triển hệ sinh thái giáo dục STEM trong các cơ sở giáo dục, ông Đặng Văn Sơn bày tỏ: Với đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản tại nước ngoài trong các lĩnh vực STEM cũng như giáo dục, Học viện Sáng tạo S3 đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả từ nhiều năm nay.

Với sự hợp tác của Trung tâm MOET-TSC, các chương trình hoạt động sắp tới giữa hai bên sẽ hứa hẹn tạo ra các sản phẩm chất lượng cao phục vụ cho ngành giáo dục cũng như hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giáo dục hiện tại của đất nước góp phần vào mục tiêu Chuyển đổi số quốc gia cũng như mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của cả nước.

Việc hợp tác giữa Trung tâm MOET-TSC với Học viện Sáng tạo S3 đánh dấu cột mốc quan trọng, hướng tới tăng cường khai thác thế mạnh và sử dụng hiệu quả năng lực mỗi bên để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nâng cao chất lượng hoạt động của mỗi bên trong thời gian tới.

Giáo dục STEM được đánh giá là chương trình trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Từ đó đưa học sinh đến các hoạt động thực hành, vận dụng kiến thức để tạo ra sản phẩm hoặc giải quyết các vấn đề của thực tế cuộc sống… Các năng lực như vậy là rất quan trọng để chúng ta xây dựng được nguồn nhân lực có chất lượng cao, đổi mới sáng tạo trở thành động lực để phát triển trí tuệ, chất xám mỗi người và hướng đến phục vụ xã hội, đất nước, cơ quan, đơn vị phát triển nhanh, bền vững.

Tiến sỹ Đặng Văn Sơn - Giám đốc Học viện Sáng tạo S3 trình bày ý kiến

Quang cảnh buổi làm việc


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Các thông tin khác:
Tin mới nhất