Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh để kết nối vùng triển khai hoạt động cung ứng nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội…

Ngày 17/2/2022, Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ GD&ĐT (MOET-TSC) đã có buổi làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh (Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh) về việc tăng cường hợp tác giữa hai đơn vị để triển khai hoạt động cung ứng nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Bắc Ninh.


Khơi mở những triển vọng hợp tác

Dự buổi làm việc về phía Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Trung tâm MOET-TSC) có ông Bùi Văn Linh - Giám đốc Trung tâm, ông Hoàng Công Dụng - Phó Giám đốc Trung tâm, ông Trần Phương - Phụ trách phòng Nghiên cứu và Dự báo…

Phía Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh có ông Nguyễn Nhân Chinh - Giám đốc Sở, ông Nguyễn Kim Triều - Phó Giám đốc Sở, ông Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng phòng Việc làm, ông Nguyễn Quang Tuấn - Trưởng phòng Quản lý dạy nghề của Sở.

Quang cảnh buổi làm việc

Đặt vấn đề cho buổi làm việc, Giám đốc Bùi Văn Linh cho biết: Toàn quốc hiện nay với quy mô hơn 250 trường đại học với tổng số sinh viên khoảng 1,7 triệu sinh viên, đón nhận mỗi năm khoảng 350.000 kỹ sư - cử nhân tốt nghiệp từ các trường đại học. Hiện nay Trung tâm MOET-TSC đang quản lý lớn số liệu nguồn nhân lực chất lượng cao từ nguồn SVTN hằng năm. Chính phủ đã giao cho Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã giao cho Trung tâm MOET-TSC tổ chức hoạt động hỗ trợ đào tạo giáo dục hướng nghiệp, kĩ năng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông, kĩ năng đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho sinh viên đại học… Để triển khai tốt nhất nhiệm vụ này, Trung tâm MOET-TSC cũng đang tích cực nghiên cứu, cùng các bên liên quan để xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ đào tạo các kỹ năng thiết yếu cho, hỗ trợ tìm việc làm cho SVTN trên cả nước…

Được biết hiện nay, Bắc Ninh là một tỉnh công nghiệp với tốc độ phát triển rất cao. Sau Tết nguyên đán, việc cung ứng nhân lực cho các nhà máy, doanh nghiệp tại Tỉnh gặp khó khăn, dự báo thiếu khoảng 23%. Do đó, Trung tâm MOET-TSC mong muốn cùng địa phương tìm hiểu nhu cầu sử dụng, cung ứng nguồn nhân lực, đồng thời nhu cầu tổ chức các khóa hỗ trợ đào tạo, đào tạo kỹ năng cho học sinh.

Bên cạnh đó Trung tâm cũng được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ cung ứng nhân lực cho ngành Giáo dục, lĩnh vực sư phạm và cho xã hội… Như vậy, chức năng và nhiệm vụ của Trung tâm MOET-TSC có nhiều điểm tương đồng với ngành LĐ-TB&XH.

Giám đốc MOET-TSC Bùi Văn Linh trao đổi tại buổi làm việc

Giám đốc Trung tâm MOET-TSC đã trao đổi với Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH một số nội dung quan trọng để cùng bàn bạc:

i) Tìm hiểu về nhu cầu thực tế cơ cấu, số lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển bền vững của tỉnh, trong đó hướng đến mục tiêu đáp ứng cho nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh nhà...

ii) Sự kết nối khai thác các lợi thế của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để thực hiện nhiệm vụ cung ứng việc làm. Với vai trò quản lý nhà nước của Sở, Trung tâm MOET-TSC muốn tham khảo thông tin, cơ cấu số lượng doanh nghiệp;

iii) Để giới thiệu việc làm tốt thì phải tổ chức các hội chợ việc làm, giới thiệu việc làm thông qua các sàn việc làm, với hình thức trực tiếp hay online, Trung tâm mong muốn biết cách thức tổ chức như thế nào, hiện nay Covid-19 có bất cập gì trong việc kết nối giữa những người đang có nhu cầu tuyển dụng và các doanh nghiệp, hay việc cung cấp thông tin trên nền tảng online;

iv) Xem xét mở các khóa đào tạo về đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi nghề nghiệp; Trung tâm MOET-TSC đã làm việc với lãnh đạo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) được biết đây là chức năng rất quan trọng của Sở; trong hệ sinh thái của Trung tâm MOET-TSC đang có các công ty rất mạnh đồng hành về cung cấp công nghệ Edutech, cung cấp các phần mềm IT, kĩ năng sống, các chuyên gia của các Trường Đại học, viện nghiên cứu… Trung tâm mong muốn tìm các cơ hội phối hợp, liên kết với Sở và các đơn vị chức năng của Tỉnh để chuyển giao, khai thác hiệu quả.

Đại diện các phòng ban chức năng của Sở phát biểu

v) Cuối cùng là việc cấp phép cho người lao động người nước ngoài tại tỉnh, trong đó có việc đào tạo cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm (dạy bằng tiếng Anh) cho giáo viên nước ngoài, đây là việc rất quan trọng giúp bảo đảm quyền lợi cho người học từ việc nâng cao chất lượng dạy học, bảo đảm kỹ năng, nghiệp vụ và vấn đề chính trị khi họ dạy tại các trung tâm tiếng Anh, cơ sở giáo dục. Trên cơ sở nhu cầu này, Trung tâm MOET-TSC sẽ khớp nối cùng các trường sư phạm tổ chức chương trình bồi dưỡng chứng chỉ sư phạm bằng tiếng Anh cho người nước ngoài…

Về phương hướng hợp tác, Trung tâm MOET-TSC mong muốn hai đơn vị sẽ xây dựng kế hoạch triển khai hợp tác dài hạn, có chiều sâu, hướng tới tính hiệu quả; một số lĩnh vực có thể triển khai ngay như: hỗ trợ sinh viên thực tập, cung ứng, tuyển dụng nhân lực trình độ cao (cử nhân, kĩ sư, nhóm ngành IT, cơ khí tự động hóa, ngoại ngữ, nhân văn,…); tổ chức các khóa huấn luyện, đào tạo kỹ năng, đào tạo theo đơn đặt hàng để phục vụ cho nhu cầu của tỉnh… có thể hợp tác để triển khai sớm. Những vấn đề lớn còn lại, hai bên sẽ bàn bạc kỹ, thống nhất để triển khai thời gian tới - ông Bùi Văn Linh cho biết.

Bắc Ninh rất cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài

Thông tin với đoàn công tác, ông Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng phòng Việc làm, Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh cho biết: Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 9278 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhà nước là 11, ngoài nhà nước 7974, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 1293.

Về việc cấp phép cho lao động người nước ngoài, Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh cấp giấy và gia hạn cho 1700 người, Ban Quản lý doanh nghiệp (do Sở ủy quyền) cấp phép cho 3821 người. Trong số người lao động người nước ngoài được cấp phép, có 2867 người quốc tịch Hàn Quốc, 2399 người Trung Quốc, 239 người Đài Loan, 150 người Nhật Bản.

Giấy phép lao động người nước ngoài để làm giáo viên giảng dạy trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2020 và 2021 là 175 lượt. Số lao động này làm việc tại các Trung tâm ngoại ngữ và thực hiện giảng dạy trong các trường công lập cấp 1 cấp 2 theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Trên địa bàn Bắc Ninh hiện có 1 trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở LĐ-TB&XH. Năm 2021 có 12 phiên giới thiệu việc làm. Mỗi tháng tổ chức 1 lần. Số doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trên địa bàn tỉnh là 1211 doanh nghiệp. Số nggười được tư vấn việc làm là 5266 người, số người đăng kí tìm việc làm là 7713, số lao động được giới thiệu việc làm là 5506 người. Số lao động được hỗ trợ giảm thất nghiệp là 9325 người.

Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm. Hiện nay là 27 doanh nghiệp, số phiên giao dịch việc làm năm 2021 là 48. Số doanh nghiệp tham gia giao dịch là 1075, số người được tư vấn tại các các phiên giao dịch là 49580 người, số lao động nhận việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên là 7619 người.

Nhu cầu tuyển dụng hàng năm trên địa bàn tỉnh khoảng từ 26.000 đến 30.000/ năm. Để tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp, tỉnh có một số kênh thực hiện qua Trung tâm Giới thiệu việc làm, doanh nghiệp cho thuê lao động (phái cử). Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh còn ký kết hợp tác với một số tỉnh/thành phố có nguồn lao động lớn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Còn ông Nguyễn Quang Tuấn - Trưởng phòng Quản lý dạy nghề Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh thông tin hiện có trên địa bàn tỉnh có 58 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 13 trường trung cấp, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và 10 cơ sở khác.

Hàng năm trên địa bàn, Sở LĐ-TB&XH hỗ trợ đào tạo việc làm cho khoảng 60 nghìn lao động, trong đó có trên 10 nghìn đạt trình độ trung cấp, cao đẳng để cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn; trong đó có thiết kế hoạt động đào tạo cho đối tượng thụ hưởng chính sách như bộ đội xuất ngũ, lao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp, các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng.

Hiện nay, được biết Trung tâm MOET-TSC có những khóa đào tạo cung cấp kĩ năng cho HSSV những kĩ năng mềm, kỹ năng IT… Những khóa học này trên địa bàn tỉnh có nhu cầu lớn và mong muốn triển khai thực hiện, đào tạo kĩ năng mềm cho HSSV, bồi dưỡng kĩ năng cho giáo viên…

Cùng với đó là các khóa đào tạo liên quan đến công nghệ mới, nhất là khi tỉnh Bắc Ninh đang thực hiện chuyển đổi số, phục vụ cho thành phố Bắc Ninh thông minh. Đầu tiên cần bồi dưỡng cho giáo viên, Sở mong cung cấp thêm thông tin để xây dựng các chương trình, khóa học để đảm bảo yêu cầu của tỉnh.

Ông Nguyễn Nhân Chinh - Giám đốc Sở LĐTBXH Bắc Ninh cho rằng: Bắc Ninh là tỉnh công nghiệp nên nhu cầu sử dụng nhân lực là rất lớn. Hiện nay doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là gần 10.000 với lực lượng lao động trên 420.000 người, trong đó lao động nước ngoài từ 8000-9000 lao động. Lao động qua đào tạo là 70%, qua đào tạo nghề 40%. Có 24,6% là lao động của tỉnh, còn lại là các tỉnh khác.

Hàng năm, Sở  đều triển khai kiểm tra nguồn cung cầu lao động để nắm thông tin, tham mưu cho UBND tỉnh, đảm bảo nguồn cung lao động, đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp. Sở cũng đã chỉ đạo sàn Giao dịch việc làm của tỉnh, kết hợp với gần 605 Trung tâm Giới thiệu việc làm, đảm bảo cung ứng mỗi năm 30.000 lao động.

Sở cũng đã chỉ đạo trực tiếp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tham gia các buổi làm việc trực tuyến đối với các tỉnh có tiềm năng tại vùng lân cận (Hà Nội, Vĩnh Phúc…) về lao động để thu hút tìm kiếm nguồn lao động cho tỉnh. Sở thường xuyên quan hệ với các Sở LĐTB&XH của các tỉnh để trao đổi thông tin, đáp ứng nhu cầu.

Nhu cầu nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh là rất lớn, dự báo trong thời gian tới, tỉnh sẽ cần nhiều lao động chất lượng cao, có kỹ năng tốt, được đào tạo trong các trường đại học có uy tín. Do đó, việc hợp tác với Trung tâm MOET-TSC là điều kiện rất quan trọng để Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Ông Nguyễn Nhân Chinh trao đổi tại buổi làm việc

Kết nối chặt chẽ vùng lân cận để hỗ trợ điều tiết nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sản xuất – kinh doanh hiệu quả

Giám đốc MOET-TSC Bùi Văn Linh cũng đề nghị Bắc Ninh nghiên cứu và tích cực tham gia vào việc tổ chức các hoạt động kết nối tỉnh lân cận trong vùng về hoạt động: chia sẻ thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, phối hợp tổ chức các ngày hội tư vấn-giới thiệc việc làm, tham gia sàn giao dịch việc làm  online song hành cùng các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ hay Thành phố Hà Nội… để từ đó giúp điều tiết nhân lực từ nơi dư thừa sang nơi đang thiếu, nhất là phát huy lợi thế và sử dụng hiệu quả nguồn SVTN hằng năm rất dồi dào, chất lượng cao từ hơn 80 trường đại học hiện nay đóng trên địa bàn Hà Nội. Trung tâm MOET-TSC cũng đang có kế hoạch làm với các Tập đoàn công nghiệp lớn như Công ty Sam Sung Việt Nam, Công ty Canon Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, Công ty Toyota Việt Nam cũng như Ban Quản lý các Khu công nghiệp tại các tỉnh trên để giải quyết vấn đề quan trọng nói trên…

Kết thúc buổi làm việc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Nhân Chinh ghi nhận, đánh giá cao các nội dung đề xuất quan trọng của lãnh đạo Trung tâm MOET-TSC và hoàn toàn nhất tiến hành xây dựng chương trình phối hợp với các nội dung đã bàn bạc nhằm xúc tiến nhanh những hoạt động cụ thể hướng tới hiệu quả cao và tạo ra những lợi ích thiết thực cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Bắc Ninh; nếu chuẩn bị tốt nguồn nhân lực chất lượng cao thì sự hấp dẫn đầu tư nước ngoài trực tiếp FDI và các tập đoàn lớn trong nước tới Bắc Ninh sẽ tốt hơn …

Hai bên chụp ảnh lưu niệm

 


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Các thông tin khác:
Tin mới nhất